Phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Cập nhật 19/9/2018, 08:09:57

So với thời điểm cùng kỳ năm 2017, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện tăng đột biến. Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tổng số ca mắc trong toàn tỉnh đến nay là gần 600 ca, riêng từ cuối tháng 8 đến nay, số ca mắc tay chân miệng tăng gấp 8 lần so với những ngày trước đó. Bệnh hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và biểu hiện triệu chứng của bệnh cũng không rõ ràng, dễ bị hiểu nhầm với các bệnh sốt thông thường khác nên nhiều phụ huynh chủ quan khi trẻ mắc bệnh.

Bé Võ Xuân Phúc là một trong 10 bệnh nhân nặng từ độ II nhóm B đến độ III đang được điều trị tại Khoa Nhi – Nhiệt đới, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi nhập viện, bé hoàn toàn không có những triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh tay chân miệng như:  nổi bọng nước trên tay, chân, loét vòm họng. Thế nhưng, khi nhập viện, bác sỹ chẩn đoán bé đã chuyển sang độ III, tức là độ cực kỳ nguy hiểm cần phải chăm sóc tích cực.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà – Mẹ bé Võ Xuân Phúc cho biết: “Lúc đầu cháu sốt tưởng viêm họng sốt vậy thôi. Biết nhưng cứ nghĩ nó lở miệng 2 bên mép thôi vì lỡ 3 tuần rồi mình không nghĩ là cháu bị tay chân miệng”.

Chủ quan và nhầm tưởng với các bệnh thông thường khác như viêm họng, sốt siêu vi.. đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều trẻ nhập viện khi đã chuyển sang độ nặng. Thống kê của Khoa Nhi  – Nhiệt đới cứ 10 trẻ nhập viện thì có đến một nửa trong số đó bị phát hiện tay chân miệng chậm và đã chuyển sang độ nặng.

Chị Nguyễn Thị Bích Lộc – Xã Tịnh Bình, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi cũng nói: “Lúc đầu biết cái bệnh này nhưng không nghĩ nó có những di chứng nặng như thế này, nghĩ nó bị ngoài da thôi, sốt sơ vậy  chứ không nghĩ nó có di chứng gì”.

Trên thực tế, nhiều triệu chứng của trẻ bị tay chân miệng nhưng phụ huynh thường bỏ sót như: trẻ có dấu hiệu giật mình, run chi, triệu chứng về nhịp thở nhanh bất thường và những triệu chứng lầm tưởng với bệnh sốt thông thường khác. Tất cả những triệu chứng bị bỏ sót này chính là nguyên nhân khiến trẻ nhập viện khi thể trạng đã yếu, chuyển độ nặng và khả năng để lại di chứng cao.

Bác sỹ Phạm Thành Quát, Khoa Nhi – Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: “Biến chứng thật ra ở độ 2 là đã có biến chứng rồi. Biến chứng không phòng tránh được chỉ là phát hiện sớm để điều trị bằng thuốc cho bé. Biến chứng thì nhiều về tim mạch là tăng nhịp tim, tăng huyết áp rối mạch vành, về thần kinh thì rối loạn điện cơ, rối loạn thân nhiệt, rối loạn chức năng não, thở, cái nào cũng nguy hiểm…”

Các bác sỹ cũng khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát trẻ khi trẻ có những triệu chứng bất thường, nhất là khi trẻ bị sốt. Đồng thời, cần bổ sung vi chất dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân,  môi trường xung quanh và đồ chơi của trẻ sạch sẽ. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không chủ quan điều trị tại nhà vì rất nguy hiểm và dễ để lại di chứng./.

Thục Uyên – Trường Thịnh


Lượt xem: 47

Trả lời