Nuôi gà thịt bằng công nghệ Đức

Cập nhật 18/8/2016, 09:08:12

Khi nền kinh tế nước nhà đang trên đà hội nhập với thế giới đồng nghĩa với việc mỗi người làm kinh tế cần chủ động tiếp cận với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại, mang lại hiệu quả cao. Đối với những người nông dân cũng không ngoại lệ. Mời quý vị và các bạn cùng đến với trang trại nuôi gà thịt của gia đình ông Lục Văn Tâm tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng – một trong những người đi đầu trong việc chăn nuôi gà thịt công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng.

 

17.8 ga

Ông Lục Văn Tâm sống bằng nghề nuôi gà thịt đã hơn 13 năm. Bắt đầu sự nghiệp với 8.000 con gà trắng từ năm 2003, đến năm 2005 trang trại gà của ông phát triển lên 17.000 con và năm 2011 là hơn 30.000 con. Trong suốt thời gian ấy, chưa một năm nào gia đình ông bị thua lỗ. Thế nhưng , ông Tâm vẫn chưa thỏa mãn và luôn ấp ủ mong muốn phát triển trang trại không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, trong đó có chất lượng đàn gà và cả môi trường chăn nuôi.

Ông Tâm – thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng cho biết: ” Anh đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước học theo, mới đầu tư số vốn lớn. Trước đây khí hậu ổn định, giờ thay đổi nên phải thay đổi công nghệ cao mới nuôi được”.

Được triển khai xây dựng từ cuối năm 2011, đến nay, trang trại gà công nghệ cao của gia đình ông Tâm được xây dựng khép kín với diện tích 2.400m2 và chia thành 2 trại riêng biệt. Bên trong được trang bị hệ thống sưởi, tường làm mát, quạt thông gió công suất cao và hệ thống thức ăn, nước uống cho gà đều được thiết kế tự động theo công nghệ của Đức. Với trang trại này, mỗi năm ông Tâm xuất được 5 lứa gà, mỗi lứa chỉ nuôi trong khoảng 40 ngày với tỷ lệ đạt trên 95%.

Mặc dù vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng nuôi gà công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sản xuất là một hướng phát triển kinh tế bền vững. Cùng với đó, điểm lợi thế của mô hình nuôi gà trong nhà lạnh là ít tốn nhân công. Chỉ cần khoảng 2 người để vận hành máy móc và tiếp cám vào hệ thống ống dẫn cho một trang trại nuôi 30 ngàn con, bằng 1/5 số nhân công so với nuôi gà theo phương thức truyền thống.

 Ông Phan Văn Hính – Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng nói về hiệu quả của mô hình: “Mô hình có hiệu qủa là do khép kín từ khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nông dân làm ăn có hiệu quả kinh tế cao, từ cái đó mà không ảnh hưởng đến môi trường”.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất giúp người nông dân sản xuất trong điều kiện thuận lợi hơn, đặc biệt nguồn thu nhập cũng được cải thiện đáng kể. Và quan trọng hơn hết, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại đã tạo một chuyển biến lớn trong việc thay đổi thói quen cũng như môi trường sản xuất của nông dân, qua đó góp phần đưa nền nông nghiệp của mỗi địa phương ngày càng phát triển./.

Bảo Dung – Trung Nghĩa – Thành Nam

 

 


Lượt xem: 513

Trả lời