Những cảnh báo trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu

Cập nhật 02/6/2016, 14:06:10

Mặc dù giá hạt tiêu không còn trụ vững ở mức giá trên 200.000 đồng/kg như năm ngoái, nhưng vẫn giữ ở mức cao trên dưới 150.000 đồng/kg, vì thế tình trạng mở rộng diện tích hồ tiêu ngoài quy hoạch vẫn diễn ra ồ ạt ở các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên, có một vấn đề mà người trồng tiêu cần hết sức lưu ý đó là cảnh báo của một số thị trường về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trên sản phẩm hồ tiêu đã bắt đầu có hiệu lực, nếu không sẽ có nguy cơ mất thị trường và điều này rất thiệt hại khi sản phẩm không xuất khẩu được. 

 

 

 

Có thể nói, đến thời điểm này, thị trường hồ tiêu vẫn diễn ra sôi động, Việt Nam vẫn là nước có tiếng nói chi phối lớn trên thị trường hồ tiêu thế giới. Song, thực tế thị trường hồ tiêu so với những năm trước đã có thay đổi, Việt Nam đã mất một số thị trường như Mỹ, Châu Âu vì sản phẩm tồn dư một số hóa chất bảo vệ thực vật.

Ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đăk Lăk. Cho biết: "Qua quá trình làm với các đối tác trực tiếp  thì tôi thấy có một số cảnh báo của thị trường châu Âu, hiện nay tiêu Việt Nam có ,một tỷ lệ, có dư lượng vượt ngưỡng cho phép. cụ thể số liệu xuát sang thị trường châu Âu năm 2015 giảm 20% so với năm 2013".

Công ty TNHH MTV XNK 2/9 đã sớm có cảnh báo về việc một số nước sẽ từ chối nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam nếu sản phẩm có tồn dư một số hóa chất bảo vệ thực vật, cụ thể là chất Carbendazim. Ngay sau có cảnh báo từ các nước nhập khẩu và các doanh nghiệp, nông dân cũng đã được khuyến cáo không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất cabendazim, song với đa số nông dân, việc phân biệt các hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật là việc quá khó

Ông Trần Văn Hân, Xã Dray B’Hăng, huyện Krông Ana, tỉnh ĐăkLăk  cho biết: " Nông dân chỉ biết sử dụng, còn muốn tránh tồn dư thuốc BVTV trong cây trồng thì trước khi bán thì phải đóng nhã mác và có khuyến cáo".

Trên 500 hộ trồng tiêu liên kết với Công ty 2/9 đã được hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất và thu mua tiêu theo tiêu chuẩn RainForest. Tuy nhiên, trong năm 2015 vừa qua, sản phẩm vẫn không đạt như mong muốn do chưa tìm được giải pháp thay thế thuốc bảo vệ thực vật; vụ tiêu năm nay, tình hình đã có nhiều khả quan với khoảng 500 tấn tiêu thu mua từ các hộ liên kết đã được công nhận là không tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, có thể xuất sang Mỹ, Châu Âu. Nông dân có sản phẩm tiêu đạt tiêu chuẩn không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được cộng thêm khoảng 4000 đồng/kg.

          Từ năm 2016, hồ tiêu xuất khẩu sang một số thị trường có quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu vượt mức cho phép sẽ bị tịch thu tiêu hủy thay vì trả về như trước đây. Nên đây cũng là một rủi ro rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nếu muốn thâm nhập vào các thị trường này phải tuyệt đối đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nước sở tại.

        Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho biết: Hiện tại, thị trường hồ tiêu vẫn đang tăng trưởng do nhu cầu  từ các nước Châu Á tăng lên. Tuy nhiên, trong tương lai thị trường có thể bị bão hòa khi diện tích hồ tiêu đang tăng lên nhanh chóng. Do đó, việc trồng, chăm sóc để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, dư lượng thuốc bảo bảo vệ thực vật ở mức cho phép là rất cần thiết, đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững trước những biến động có thể xảy ra.

Minh Trang- Thanh Hà


Lượt xem: 70

Trả lời