Nhiều ngư dân lâm nợ vì tàu hỏng liên tục

Cập nhật 14/9/2017, 07:09:08

Đầu tư tất cả vốn liếng, kể cả vay vốn tín dụng , nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi đã đóng  các con tàu công suất lớn  giá trị cả chục tỷ  đồng với ước mơ bám biển vươn khơi. Thế nhưng, giờ đây không ít người phải lâm vào cảnh trắng tay và nợ nần chồng chất . Nguyên nhân là do tàu liên tiếp hư hỏng máy móc, thiết bị khiến các chuyến ra khơi của những con tàu công suất lớn  đánh bắt không hiệu quả.

Từng tiên phong đầu tư trên 7 tỷ đồng đóng con tàu vỏ thép mang tên Sang Fish 01 với những kỳ vọng vươn ra biển lớn , song giờ đây, ngư dân Phan Bé, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã phải đi làm thuê cho các tàu cá để mưu sinh. Những chuyến biển liên tục tổn thất nặng nề do tàu hư hỏng khiến nợ nần chồng chất nên tháng 4/2016, ông Bé quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. Trắng tay , ngư dân còn đối mặt với việc bị thưa kiện vì nợ.

Anh Bé cho biết: “Công ty đến khắc phục lần đầu tiên. Còn những lần sau đó báo thì bằng điện thoại chớ không báo bằng văn bản. Công ty trả lời là có lắm lúc cái ông chọn thì ông phải chịu.  Công ty có bàn là thu hồi lại tàu và đồng ý trả tàu. Khi chạy vô trả tàu thì công ty có nói là cứ ký thanh lý hợp đồng để công ty có hướng giải quyết với một đối tác khác để bán tàu thì mới có cách xóa nợ cho. Mình cũng tình thiệt ký để có cách xóa nợ nhưng mà không ngờ Công ty báo nợ như vầy”.

Năm 2015, ngư dân Bùi Tín, ở xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi  quyết định vay vốn đóng đôi tàu  công suất lớn có giá trị trên  12 tỷ  đồng. Theo hợp đồng với cơ sở đóng tàu,  ngư dân tự mua máy về lắp ráp.  Ông Tín đã được một Công ty ở TP Hồ Chí Minh bán đôi máy thủy công suất 935CV với tổng giá 2 tỷ 150  triệu đồng. Từ chuyến đánh bắt đầu tiên vào tháng 3 năm 2016 đến nay tàu liên tục bị hỏng máy. Quá trình làm thủ tục bảo hiểm, ngư dân mới phát hiện là mình bị doanh nghiệp lừa bán đôi máy phát điện .

 Anh Tín cho biết: “Giữa giấy hải quan, khai nhập luồng hải quan đây là trật, không khớp với mã lực của cái máy đó. Cụ thể là mã lực của máy bán là 935, còn giấy hải quan là chỉ có 3 đến 5 trăm mã lực. Lúc đó thì Bên công ty giám định Á Châu và thợ máy chỉ cho mình thấy rằng máy lắp cho mình là máy S6 R2 không phải là máy thủy, mà chỉ là máy phát điện”.

  Do thiếu hiểu biết về kỹ thuật, nhiều  ngư dân đã trắng tay khi đóng mới tàu công suất lớn. Các ngư dân này chỉ còn biết  làm đơn cầu cứu khắp nơi, từ tỉnh đến Trung ương. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi, bám biển.

Kim Dung- Hữu Thịnh

 


Lượt xem: 35

Trả lời