Người giữ hồn sử thi Raglai ở Khánh Hòa 

Cập nhật 17/10/2017, 08:10:04

Trong đời sống của đồng bào Raglai ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa thì sử thi Raglai chứa đựng các giá trị văn hóa, tinh thần được những người già hát kể từ ngày này qua đêm khác. Thế nhưng qua thời gian, những bản sử thi Raglai ấy đang dần mai một và mất đi.

  Với quyết tâm, không để sử thi của dân tộc mình rơi vào quên lãng, nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến đã dành gần nửa cuộc đời của mình để đi tìm kiếm những bản sử thi Raglai. Ông được người dân nơi đây yêu mến và gọi với cái tên“người giữ hồn sử thi Raglai của núi rừng Khánh Sơn”.

Giữa núi rừng Khánh Sơn những thanh âm sử thi cứ vang lên lúc trầm lúc bổng. Làm sao để sử thi Raglai không rơi dần vào quên lãng – niềm trăn trở ấy đã thôi thúc nghệ nhân Mấu Quốc Tiến suốt hơn 25 năm qua. Ông cần mẫn đi đến từng thôn làng của người Raglai và ghi lại những câu hát của dân tộc mình. Ông cứ mải mê, say sưa nghiên cứu, sưu tầm sử thi, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá của người Raglai.

          Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến – Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nền văn hoá của người  Raglai truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Đặc biệt là sử thi rất dày mang tính chất gần như đồ sộ. chúng tôi sưu tầm, biên dịch, chú thích, chú giải. nói về vh Rag là truyền khẩu. hiện nay tồn tại ở các cụ có tuổi, các cụ mới thuộc được.ngta hát đêm hát ngày. Xuất phát từ văn hóa raglai bảo tồn những gì quý, các cụ mất đi không còn ai truyền dạy cho thế hệ sau này”.

25 năm gắn bó với công tác văn hoá, ông tâm đắc nhất là đề tài nghiên cứu “Chữ viết với việc bảo tồn và phát triển văn hoá Raglai”. Kỳ công sưu tầm, nghiên cứu, đến nay, tài sản quý giá nhất mà ông có được là 4 bộ sử thi đã được biên soạn, xuất bản và hơn 300 băng ghi âm của 4 bộ sử thi Raglai khác. Trước kia, người Raglai không có chữ viết nên sử thi chỉ được truyền khẩu, tồn tại trong trí nhớ của những người cao tuổi. Chính vì vậy, ông đã đem chữ viết và sử thi đến từng ngôi trường để dạy cho các em học sinh, tổ chức các lớp truyền dạy.

Học sinh Mấu Thị Trang – Huyện Khánh Sơn , tỉnh Khánh Hòa nói: Em thích nói tiếng Raglai để hiểu dân tộc của mình hơn, để biết các cô các chú nói gì”.

Ông Cao Tiến Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nghiên cứu văn hoá phi vật thể nhưng chữ viết của dân tộc Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn, đi đến từng ngôi nhà cũng từng nghệ nhân biết hát sử thi, làn điệu, đồng chí Tiến rất là cặm cụi lo vấn đề này. Bên canh đó, chữ viết của người Raglai hiện nay được phép lưu giữ tại phòng  truyền thống, mở lớp dạy học trong thời gian vừa qua. Đơn vị và chú Tiến lên lớp dạy tại trường Dân tộc nội trú huyện, cũng như là trường tiểu học, trung học, chú tiến là người  lên lớp truyền dạy cho các cháu về chữ viết”.

Sau những giờ rong ruổi khắp các bản làng, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến lại trở về bên “lớp học” đơn sơ trong chính ngôi nhà của mình – chỉ với chiếc đài cassette, vài quyển sách song ngữ tiếng phổ thông và tiếng Raglai, nhưng trong đó chứa đựng biết bao tâm huyết và nỗ lực của người nghệ nhân. Cũng từ đó, ông truyền dạy sử thi đến với thế hệ mai sau và để giá trị văn hoá ấy có thể trường tồn mãi với thời gian.

Như Quỳnh – Hồng Thái – Nguyễn Nam


Lượt xem: 184

Trả lời