Người dày công sưu tầm và bảo tồn văn hóa H’Rê

Cập nhật 23/2/2018, 15:02:19

Lo ngại bản sắc văn hóa của dân tộc mình dần bị mai một, ông Đinh Công Bôn – một người con của bản làng H’rê ở thôn Tà Mùng, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã dày công sưu tầm và bảo tồn những hiện vật, nhạc cụ quý hiếm của dân tộc H’rê. Sau 6 năm ròng rã, ông Bôn đã tự mình xây dựng một “bảo tàng” văn hóa nhỏ tại gia đình để giới thiệu đến mọi người cùng biết với mong muốn sao những giá trị văn hóa của cha ông mình được giữ gìn và lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau.

“Bảo tàng” văn hóa tại gia đình ông Đinh Công Bôn ở thôn Tà Mùng, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Hàng trăm hiện vật và nhạc cụ có giá trị của người H’rê được ông sưu tầm và sắp xếp một cách khoa học. Nhiều người, đặc biệt là những người con của dân tộc H’rê tỏ vẻ khá ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những hiện vật và nhạc cụ quý hiếm do cha ông mình chế tác đã được ông Bôn sưu tầm và gìn giữ.

Ông Đinh Văn Đào – Xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi nói: “Tôi rất vui vì tưởng đâu nhạc cụ của người H’rê mình trước đây mất hết toàn bộ, nay thấy lại đầy đủ như: Chiêng, chóe, dáo, mác, tà lía, Vin vút, Bờ râu, đầy đủ như thế rất là mừng”.

Để có hàng trăm hiện vật và nhạc cụ quý hiếm trưng bày tại “ Bảo tàng” văn hóa nhỏ của gia đình như hiện nay, ông Bôn đã lặn lội tới nhiều bản làng ở vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu và sưu tầm. Ông thường xuyên gặp gỡ các già làng của dân tộc H’rê để trao đổi, nghiên cứu thêm về văn hoá của dân tộc mình.

Ông Đinh Công Bôn – Xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi cho biết: “Lúc đầu đi cũng gặp nhiều khó khăn. Vào trong làng, trong bản, họ không tin, họ sợ mình trao đổi, buôn bán với mục đích thu lợi nhuận khác. Nhưng khi giới thiệu về bản thân và mục đích của mình là để lưu giữ lại những bộ chiêng, những bộ nhạc cụ mà người H’rê chế tác trước đây bởi vì hiện nay nó dần mai một thì họ tin. Ngày tết, lễ hội không còn nữa, không nghe tiếng chiêng, tiếng đàn, nên tôi quyết tâm đi sưu tầm”.

Sau khi cất công sưu tầm, lưu giữ, ông Bôn còn dày công mang những hiện vật, nhạc cụ tới nhiều bản làng để giới thiệu cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ của dân tộc H’rê được biết về giá trị của nó. Ông cũng dành nhiều thời gian chỉ dạy cho các thanh, thiếu niên ở các bản làng H’rê cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống.

Ông Đinh Văn Đỏ – Xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi  cũng nói: “Tôi thấy việc của ông Bôn làm là rất đúng vì đây là bản sắc văn hóa của người H’rê, chúng tôi là người già không có điều kiện mua sắm, gìn giữ nên cũng lo sợ bản sắc của dân tộc sẽ mất đi không còn, đời con, đời cháu sẽ không còn biết nữa, mất đi truyền thống của dân tộc. Có ông Bôn làm những việc như thế này chúng tôi rất là vui mừng”.

“Kết hợp để chỉ bảo cho các cháu dùng được các loại nhạc cụ của người H’rê, để sau này những người già biết sử dụng mất đi, không còn ai sử dụng thì còn có các cháu, nên phải ôm xuống làng để chỉ dạy cho các cháu, nhất là học sinh biết sử dụng các loại nhạc cụ”ông Đinh Công Bôn nói.

 Việc cất công tìm kiếm, sưu tầm và giới thiệu cho mọi người về những hiện vật, nhạc cụ quý hiếm của dân tộc H’rê cũng đủ thấy ông Bôn là người đầy tâm huyết trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Và để rồi, cứ mỗi mùa xuân đến, những âm thanh của tiếng cồng chiêng, tiếng sáo, tiếng đàn Vin vút, Ta lía… lại vang lên trên các bản làng ở vùng cao Quảng Ngãi./.

 Phi Khanh – Trường Thịnh


Lượt xem: 141

Trả lời