Nghịch lý thị trường rau mùa mưa lũ

Cập nhật 02/11/2018, 10:11:48

Muốn ăn rau, người tiêu dùng phải bỏ thêm tiền gấp đôi, gấp ba so với mọi khi. Những ngày qua, tại các chợ, giá rau tăng vọt. Điều này cũng không có gì lạ mỗi khi vào mùa mưa lũ. Nhưng, điều không bình thường là ngay lúc này, tại vùng chuyên canh rau, giá rau mà nông dân bán ra vẫn ở mức thấp. Đang có sự chênh lệch rất lớn giữa giá rau bán ở vườn và giá rau bán ở chợ, khiến cho nhiều người phải đặt câu hỏi: vì sao xảy ra nghịch lý như vậy trên thị trường rau mùa mưa lũ?

Nửa sào đất được bà Thao gieo ngò. Mười phần thì hư hết bảy phần. Bây giờ, nếu phá bỏ, trồng lại thì cũng không dám chắc là rau sẽ không hư.

Bà Võ Thị Thao, Xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa cho biết: “Mưa, nắng nên nó hư. Nó bị lũng, bị đổ rạp xuống.”

Lúc mưa lúc nắng, thời tiết như vậy khiến cho vườn rau nào cũng bị hư hại. Sản lượng rau sụt giảm tại hầu hết các vùng chuyên canh rau của tỉnh. Tại nhiều nhà vườn, những giỏ đựng rau cứ treo ở đây suốt cả tháng nay.

Theo các tiểu thương, ngay ở vựa rau Đà Lạt – vùng trồng rau lớn nhất nước, cung cấp rau cho thị trường Phú Yên những năm qua, nhiều vườn rau cũng bị ảnh hưởng thời tiết. Cũng vì thế, giá rau tăng mạnh.

Bà Hồ Thị Tuyết, Tiểu thương mua bán rau bày tỏ: “Rau trên Đà Lạt cũng bị hư, khi mình chuyển về đây, mất đi một nửa nên giá phải tăng lên.”

Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, 1kg rau xà lách, bán sỉ không dưới 12 ngàn đồng, mọi khi chỉ 2-3 ngàn đồng. Giá sỉ là vậy, còn bán lẻ thì tùy theo buổi chợ. Thậm chí, có lúc, muốn ăn 1kg xà lách, người tiêu dùng phải bỏ ra 15 ngàn đồng.

Giá rau ở chợ là vậy, nhưng tại vườn, một kg xà lách, nông dân bán ra vẫn như mọi khi, là 5 ngàn đồng, chỉ bằng 1/3 giá rau ở chợ. Nông dân, cho dù gặp rủi ro trong sản xuất, sản lượng giảm thì giá bán rau vẫn thấp, vẫn cũng không bù lại được thiệt hại.

Bà Lê Thị Dư, Xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa tâm sự : “Nhà vườn bán cho con buôn, con buôn bán lại người khác, người đó bán lại cho một người nữa, rồi lại bán lẻ ra, nhiều tay nên rau phải lên, chứ ở vườn vẫn 5 ngàn đồng thôi.”

Như vậy, nghịch lý thị trường rau mùa mưa lũ chính là do khâu tiêu thụ quá nhiều chặng, cùng với tỷ lệ tổn thất rau sau thu hoạch ở mức cao, trên dưới 30%. Và cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là nông dân. Cũng dễ hiểu, trong thời gian này,  nhiều nhà vườn buộc phải bỏ đất trống.

Như Thùy, An Bang.


Lượt xem: 47

Trả lời