Lâm Đồng – Làm gì để bảo tồn các làng văn hóa truyền thống DTTS

Cập nhật 31/8/2018, 07:08:45

Các vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Lâm Đồng đang ngày dần phát triển. Cái đói, cái nghèo, tập tục lạc hậu đã dần lùi xa. Thế nhưng cùng với sự phát triển đó, một số nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS cũng đang dần mai một. Đứng trước nguy cơ này, ngành Văn hóa Lâm Đồng đã có kế hoạch phục dựng lại một số làng văn hóa truyền thống để lưu giữ những tập tục sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng cho các thế hệ sau nhớ về cội nguồn.

Nằm cách trung tâm huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng gần 20 km, thôn Hamanhai  thuộc xã P’Ró có gần 100% đồng bào DTTS sinh sống, và là một trong những ngôi làng còn lại ít nét đặc trưng của người đồng bào dân tộc vài chục năm về trước. Tuy nhiên, bây giờ ở làng lại rất ít người mặc trang phục dân tộc truyền thống, trừ những người già. Đàn ông, phụ nữ ở làng nay mặc quần tây, áo thun mọi lúc, mọi nơi; duy nhất chỉ còn những chiếc khăn địu trẻ con là khăn truyền thống của người đồng bào.

Chị K’Ết – thôn Hamanhai, xã P’Ró, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng nói: “Bây giờ chỉ có ngày lễ mới mặc trang phục dân tộc mình, ngày thường đi làm thì mặc đồ người Việt, lớp trẻ bây giờ cũng bắt chước mặc như người Việt.

Bây giờ học theo người Kinh, nên mặc đồ kinh, mặc đồ truyền thống đi làm vướng lắm, chỉ có lễ mới mặc”.

Ở một ngôi làng khác tại xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng; bóng dáng của những ngôi nhà gỗ, nhà sàn đã dần thưa thớt… và thay vào đó là những ngôi nhà xây hiện đại. Nhiều người vẫn tiếc nuối cuộc sống yên ả, gần gũi với thiên nhiên trước đây nhưng không thể từ chối những tiện ích của cuộc sống hiện đại.

Chị K’Yến – thôn Bon Rơm, xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng nói: “Ở nhà sàn thì mát nhưng bây giờ xây nhà tiện hơn nên họ phá nhà gỗ hết rồi”.

Trang phục và nhà ở chỉ là hai trong số rất nhiều những nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào DTTS tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang dần bị mai một. Và về lâu dài, nhiều đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc biến mất là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, mới đây ngành Văn hóa Lâm Đồng đã có chủ trương phục dựng làng văn hóa truyến thống của dân tộc Chu Ru tại xã P’ró, huyện Đơn Dương nhằm lưu giữ văn hóa của cộng đồng dân tộc Chu Ru qua nhiều thế hệ. Đây là một trong những bước khởi điểm để khôi phục nhiều làng văn hóa của dân tộc bản địa trong tỉnh.

Ông Hoàng Ngọc Huy – Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi xây dựng và thực hiện đề án này không chỉ bảo tồn mà còn phát triển du lịch văn hóa của địa phương”.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 43 dân tộc anh em và mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng. Việc bảo tồn nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS chính là gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc./.

Thùy Dương – Anh Hào

 


Lượt xem: 53

Trả lời