Khi công nghệ đi vào sản xuất

Cập nhật 15/2/2017, 14:02:55

Được xem là địa phương đi đầu của cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua với việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đã góp phần đưa nông sản của Đà Lạt, lâm Đồng vươn xa trên thị trường. Mới đây những mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông minh cũng được nông dân chú trọng, đem lại nhiều tiện ích từ khâu chăm sóc, tưới tiêu, giảm chi phí nhân công, ghi nhận trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Vương Đình Phi, ngụ tại ấp Thánh Mẫu, phường 7, Đà Lạt, ông Phi cho biết, trong quá trình làm nông của mình, chưa bao giờ ông lại nhàn nhã đến thế. Bởi kể từ khi lắp ráp hệ thống tưới cảm biến tự động, thông qua phần mềm giám sát của chiếc điện thoại Smartphone đã giúp ông có thể nắm bắt được những thông số về ánh sáng, độ ẩm của đất, lượng phân cần phải bón, lượng nước cần phải tưới tiêu, dù ông không có mặt  trên đồng ruộng.

 Ông  Phì cho biết: “Kể từ khi áp dụng công nghệ này vào sản xuất thì đem lại hiệu quả rõ rệt, nó giúp mình kiểm soát được lượng nước, phân, được hộ trợ như vậy rất vui”…

Tuy nhiên để sử dụng hệ thống cảm biến này đạt hiệu quả cao thì bắt buộc người nông dân phải am hiểu về công nghệ điện tử, điện thoại phải có sóng wifi hoặc 3G để kết nối. Ngoài những ưu điểm giúp nông dân kiểm soát các thông số kỹ thuật trong sản xuất, hệ thống tưới thông minh này còn giúp nông dân tiết kiệm thời gian, tiết giảm được công lao động và quan trọng hơn là có thể xử lý những tình huống cần thiết để đem lại hiệu quả cao cho cây trồng.

 Anh Trần Xuân Thực – Du khách tỉnh Bình Dương nhận xét: “Nói chung mình thấy rất hiện đại, đến đây thì mình có thể tìm hiểu thêm về những mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà chưa bao giờ được biết”.

    Hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều khiển tưới tự động chính xác trên cây rau, hoa canh tác công nghệ cao”. Từ mô hình này đã có 5 nông hộ trên địa bàn Đà Lạt và huyện Đức Trọng được hỗ trợ 50% chi phí để đầu tư, hiện tại một bộ hệ thống tưới cảm biến tự động này có giá 60 triệu đồng, với sự hỗ trợ này, nông dân có thể tiết kiệm chi phí thêm 50%.

 Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn – GĐ Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đánh giá: “Qua đánh giá bước đầu thì tôi thấy bà con được hỗ trợ áp dụng rất hiệu quả, cái này thì rất hay nhưng không phải ai cũng làm được vì cần phải có vốn, có am hiểu về công nghệ, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng tại một số địa phương khác”.

   Điều có thể khẳng định rằng, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất đã giúp nông dân từng bước tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp, tăng năng suất chất lượng cây trồng, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và thân thiện với môi trường./.

Tuyết Ngọc , Mạnh Tuấn


Lượt xem: 48

Trả lời