Khánh Hòa – Phát hiện nhiều sai phạm qua kiểm tra các cơ sở nước mắm

Cập nhật 08/1/2019, 14:01:32

Độ đạm của nước mắm là tổng hàm lượng Nitơ có trong 1 lít nước mắm. Nước mắm có độ đạm càng cao càng tăng giá trị của nước mắm, và điều đó cũng đồng nghĩa với giá thành sản phẩm của nước mắm có độ đạm cao sẽ cao hơn những loại còn lại. Tuy nhiên, theo kết quả mà Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Khánh Hòa vừa công bố, có tới 40% trong tổng số mẫu kiểm tra có độ đạm không đạt như công bố trên nhãn mác, thậm chí thấp hơn 70% hàm lượng công bố.

Hiện nay trên thị trường có hai dòng sản phẩm nước mắm là nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Trong đó, độ đạm là thông số phản ánh chất lượng nước mắm, nhất là đối với nước mắm truyền thống. Đây cũng là chỉ tiêu chất lượng bắt buộc nhà sản xuất phải công bố trên sản phẩm và quyết định giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, với kết quả 40% mẫu nước mắm có độ đạm không đạt như trên nhãn sản phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản công bố, cho thấy, người tiêu dùng đã bị nhiều nhà sản xuất đánh lừa, mua sản phẩm thật nhưng không đảm bảo chất lượng tương xứng với đồng tiền bỏ ra.

Ông Bùi Lân – Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản Khánh Hòa cho biết: “Có tình trạng nước mắm có nhãn mác, độ đạm thực tế không đúng như đã công bố trên nhãn mác. Có tình trạng cơ sở kinh doanh đặt hàng cho cơ sở sản xuất đóng nước mắm nhưng độ đạm, vì giá cả nên độ đạm thực tế khác biệt so với độ đạm ghi trên sản phẩm. Hàm lượng đạm thấp hơn 70% so với nhãn công bố vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả”.

Về phía người tiêu dùng, phần lớn mua theo thói quen, theo thương hiệu mình tin dùng chứ ít khi để ý hàm lượng đạm công bố trên sản phẩm.

Một số người tiêu dùng cho biết họ mua chỗ quen biết, và cứ ăn vậy chứ không để ý độ đạm:  “Mua thì cứ mua chứ biết gì đâu, ăn thử bữa đầu thấy vừa miệng là mua dùng thôi. Ăn quen rồi chứ không biết gì độ đạm cả, mua chỗ uy tín về ăn”.

Không chỉ độ đạm trong nhiều sản phẩm nước mắm không đạt như công bố, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là điều đáng quan tâm. Qua ghi nhận tại một số cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đoàn Thanh tra Pháp chế Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản đánh giá: Việc tuân thủ các điều kiện vệ sinh theo quy định chưa nghiêm túc.

Ông Bùi Lân – Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản Khánh Hòa cho biết: “Mặc dù các cơ sở đủ giấy chứng nhận VSATTP nhưng vẫn còn có những lỗi như không che đậy các bể chộp thùng trỗ, 1 số cơ sở chưa có biện pháp che đậy ngăn động vật gây hại, bụi bám bể chứa nước mắm thành phẩm. Những vấn đề đó gây mất an toàn cho nước mắm khi lưu thông, chẳng hạn có những mẫu nhiễm vi sinh vật, có 1 số trường hợp nhiễm kim loại nặng”.

Qua kiểm tra cho thấy, số lượng mẫu được kiểm nghiệm chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trên tổng sản phẩm thuộc thẩm quyền Chi cục quản lý. Con số 40% mẫu nước mắm có độ đạm thấp hơn công bố và 5 – 10% mẫu nước mắm bị nhiễm vi sinh vẫn chưa phản ánh hết toàn cảnh về chất lượng nước mắm trên thị trường. Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng, việc hậu kiểm của các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới./.

Tuyết Vân – Thành Huế


Lượt xem: 37

Trả lời