Khánh Hòa: Nhiều hộ dân lo lắng khi bước vào vụ nuôi trồng thủy sản

Cập nhật 01/3/2019, 13:03:41

Thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3 hàng năm, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bước vào vụ sản xuất. Đây cũng là vụ nuôi chính trong năm nên bà con đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, do biến động về thị trường, môi trường nuôi, tình hình dịch bệnh trong suốt năm qua nên vụ thả giống đầu năm nay có nhiều biến động.

Do làm chủ được công nghệ nên hộ ông Lê Minh Chính ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa đã bắt đầu bước vào vụ nuôi tôm. Theo ông Chính, việc điều chỉnh thời gian nuôi ngay từ đầu năm khá thuận lợi. Bởi nuôi sớm sẽ tận dụng được nguồn nước sạch, môi trường ít ô nhiễm. Và quan trọng nhất là khi xuất bán, giá tôm sẽ cao hơn so với năm ngoái.

Ông Lê Minh Chính – Xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tâm sự: “Có ao thì thả cũng được 1 tháng 40 ngày, thì để tranh thủ cái vụ mùa nó được giá hơn, mình đã cho xuống giống trước tết một nửa rồi, sau tết xuống một nửa nữa để tranh thủ giá, chứ khả năng giá tôm năm nay giá tôm năm nay vẫn rẻ như năm vừa rồi….giống tôm năm nay cũng tốt, nguồn nước cũng tốt.”

Năm nay, hầu hết hộ nuôi thủy sản bằng ao đất bước vào vụ nuôi từ rất sớm. Rút kinh nghiệm giá tôm năm ngoái xuống thấp, dịch bệnh, thời tiết diễn biến thất thường nên vụ nuôi năm nay, bà con cân nhắc kỹ trước khi thả giống. Bởi vốn liếng ít, nếu thiệt hại xem như là mất trắng. Trong khi đó, một số hộ chuyển sang nuôi đối tượng khác, hoặc nuôi theo mô hình thâm canh, quảng canh để đảm bảo hiệu quả.

Anh Cao Tùng Quân – Phó Trưởng Trạm Thủy sản thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết chia sẻ:” Nói về tình hình nuôi tôm năm nay thì dự báo thời tiết sẽ năng hơn so với năm 2018. Thời tiết nắng nóng cũng sẽ dễ gây bệnh cho tôm nuôi cho nên với thời tiết như vậy bà con phải chú ý đến cái khâu chọn con giống có chất lượng và kiểm tra các yếu tố môi trường thường xuyên để mà xử lý kịp thời.”

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đang thả nuôi gần 1.500ha trong tổng số hơn 4.400ha theo kế hoạch, chủ yếu các loại như: tôm, nhuyễn thể, cá biển… Tuy nhiên, nhiều bà con vẫn lo lắng về giá cả thị trường, khi mà hoạt động mua bán hiện phụ thuộc nhiều vào thương lái. Do đó, bà con mong muốn hình thành chuỗi liên kết sản xuất và thu mua để đảm bảo thu nhập cho người nuôi.Để giúp lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, trong năm nay ngành thủy sản sẽ triển khai nhiều giải pháp, áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị, đáp ứng nguyên liệu cho hoạt động xuất khẩu thủy sản hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư – Phó Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết: ” Năm vừa rồi theo Nghị định 98, chính phủ ban hành trong đó có một số chính sách về hình thành các chuỗi liên kết trong việc nuôi trồng, thì Chi cục cũng tham mưu với Sở để xây dựng các chính sách  hỗ trợ về con giống, hỗ trợ về thức ăn theo các quy định về NĐ 98 để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh./.”

Minh Tuệ – Nhật Quỳnh – Trọng Thủy – Văn Thành.


Lượt xem: 83

Trả lời