Khánh Hòa: Khắc phục tình trạng khai thác thủy sản trái phép

Cập nhật 13/12/2017, 10:12:17

Không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của thủy sản, là một trong những nguyên nhân chính khiến EU rút thẻ vàng cảnh cáo, đối với thủy sản xuất khẩu trong nước. Điều này đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng. Hiện ngành thủy sản đang phối hợp với doanh nghiệp, ngư dân tìm giải pháp khắc phục một số điểm còn thiết sót trong khâu quản lý. Trong đó, việc nâng cao nhận thức, kỹ năng đánh bắt của ngư dân trên biển được đặc biệt quan tâm.

Khánh Hòa tuyên truyền cho ngư dân không thác thủy sản trái phép

Làm nghề biển nhiều năm nhưng không phải ngư dân nào cũng biết được vùng biển nào được phép đánh bắt; và làm thế nào để thủy sản của mình được xem là hợp quy định. Vì thế, mà từ đầu năm đến nay, đã có 12 tàu cá Khánh Hòa bị tàu nước ngoài bắt và xử lý. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của bà con, và vấn đề ngoại giao giữa các nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua thủy, hải sản lại có sự lo lắng khác, khi không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu.

Ông Võ Quốc Dũng – Phó Phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết:  “Các nước Châu Âu quy định là không được đánh cá vùng biển nước ngoài. Thế là thủy sản chúng ta không xuất khẩu được, hàng thủy sản mất giá. Với chỉ thị 689 và Công điện 732 của Thủ tường Chính phủ chúng tôi sẽ giúp bà con phân biệt được vùng biển đánh bắt”

Tham gia buổi tập huấn này, nhiều ngư dân mới nhận bắt đầu nhận ra nhiều vấn đề trong quá trình khai thác, đánh bắt. Bà con dần nhận biết được ranh giới vùng biển đánh bắt, chủ động ứng phó với các tình huống bất ngờ trên biển. Các chính sách về việc hợp tác khai thác hải sản của Việt Nam với các nước trong khu vực cũng được công khai, phổ biến đến ngư dân. Nhiều chủng loại thủy sản tại các vùng biển trước đây bà con hay đánh bắt, nay cũng biết được là trái với quy định.

Ông Đặng Tấn Hùng – Phường Vĩnh Phước, Nha Trang nói:  “Nếu vi phạm thì không chỉ nước bạn phạt mà về đây chi cục thủy sản cũng phạt thêm, đã phổ biến rồi. chúng tôi cũng chấp hành là hàng tháng ghi nhật ký, mỗi buổi sáng là đánh vùng biển nào cũng ghi lại, rồi về nộp lại cho chi cục thủy sản”

Theo số liệu thống kê, cả tỉnh hiện có khoảng 1.300 tàu thuyền có công suất lớn hơn 90CV khai thác xa bờ. Hầu hết bà con đều đã có giấy cam kết không đánh bắt tại vùng cấm, nghề cấm. Các tàu cũng đã thực hiện tốt quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản. Và qua 2 lần kiểm tra của đoàn công tác EU xác định: Khánh Hòa cơ bản đảm bảo các quy định của EU về nguồn gốc hải sản xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là các tàu cá chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị hàng hải hiện đại; gây khó khăn cho cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong kiểm soát hải trình đánh bắt.

Ông Võ Khắc Én – Phó Giám đốc Chi cục Thủy sản Khánh Hòa kiến nghị:      “Kiến nghị bộ ngành, các địa phương phối hợp với biên phòng, phòng kinh tế giám sát được việc đánh bắt của bà con. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc để theo dõi được hành trình của tàu cá một cách sát sao.

Những tàu cá lại chuẩn bị vươn khơi. Ngư trường Hoàng sa, Trường sa vẫn là vùng đánh bắt quen thuộc của bà con. Nhưng làm thế nào để mỗi chuyến biển bà con được an toàn, tàu về cảng mang theo đầy cá và bán được giá cao- vẫn là điều trăn trở của ngư dân lẫn cơ quan quản lý. Do đó, chính mỗi ngư dân cũng cần nhận thức, thay đổi tập quán đánh bắt lâu nay, chấp hành đúng các quy định mà nhà nước đã ban hành. Cùng với đó ngành chức năng, doanh nghiệp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản thời gian tới.

Minh Tuệ – Xuân Tứ (Đài Khánh Hòa)


Lượt xem: 40

Trả lời