Hỗ trợ bò giống sinh sản – Cần câu giúp đồng bào Raglai (tỉnh Ninh Thuận) thoát nghèo bền vững

Cập nhật 12/10/2016, 08:10:41

Huyện miền núi Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) có trên 95% số dân là đồng bào dân tộc Raglai, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 68%. Trước thực tế này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đề án “Hỗ trợ bò giống cho đồng bào nghèo ở huyện Bác Ái giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu huy động 30 tỷ đồng từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” và xã hội hóa hỗ trợ 2.000 con bò giống cho 1.000 hộ nghèo được xem là giải pháp trao cho hộ nghèo chiếc “cần câu” để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

12-10-hotro

Chị Ka Tơr Thị Thiện, ở thôn Tà Lú 1, là một trong những hộ nghèo đầu tiên của xã Phước Đại, huyện Bác Ái được nhận một cặp bò giống sinh sản, do UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ. Chỉ sau 2 tháng, con bò giống của gia đình đã sinh được 1 bê con; và dự kiến thêm 3 tháng nữa, con bò giống thứ hai sẽ lại sinh thêm bê con. Đối với đồng bào dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái đó là tài sản lớn giúp bà con giảm nghèo bền vững.

Chị  Thiện  nói: Mỗi một cặp thì 1 năm có 1 cặp nghé, mỗi một cặp nghé như vậy 2 năm thì 2 cặp, 3 năm thì 3 cặp, nếu được như vậy thì sẽ có thể được thoát nghèo. Mỗi một năm 1 con giá trị 15 triệu đồng, 2 con thì 30 triệu, 4 con thì 60 triệu đồng; nếu mà nhân lên nếu nuôi sau này bà con được thoát nghèo thì 2 cặp nghé này có thể sinh sản đi tới cùng thì bà con sẽ thoát nghèo.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của hầu hết hộ nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái là thiếu khả năng lập kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình, năng lực, kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, nên việc hỗ trợ giống hay tiền mặt khó phát huy hiệu quả. Ngược lại, chăn nuôi gia súc được xem là lĩnh vực mà hầu hết người nghèo ở đây đều có kinh nghiệm. Do đó, khi được hỗ trợ bò giống, người dân chỉ cần chăm sóc hằng ngày để bò giống sinh sản tốt.

Chị Chamalea Thị Nghiêm – thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cũng bày tỏ: “Nhà nước cho bò thì mình dễ chăm sóc hơn, mình cắt cỏ, cho nó uống nước, nói chung là dễ chăm sóc hơn. Một năm nó đẻ 1 cặp bò, một con trị giá nó cũng được 15 triệu như vậy mình cũng đỡ thoát nghèo. Nếu Nhà nước cho tiền thì mình không biết xoay sở vào chỗ nào với lại trình độ của mình còn kém, nếu mình không biết đầu tư vào chỗ nào thì cuối cùng tiền đó cũng mất”.

Huyện Bác Ái có diện tích tự nhiên trên 102.000 ha; trong đó đất nông nghiệp 12.300 ha và đất lâm nghiệp chiếm 79% là điều kiện lý tưởng để phát triển chăn nuôi gia súc dưới tán rừng và tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Do đó, việc triển khai đề án “ Hỗ trợ đồng bào Bác Ái góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”, thông qua việc hỗ trợ bò giống sinh sản phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy hoạch của tỉnh, giúp cho người dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Đối với mỗi hộ nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái được hỗ trợ 1 cặp bò giống, mỗi hộ nuôi trong 2-3 năm đảm bảo sinh sản được hai lứa, sau đó sẽ chuyển bò giống cho hộ thứ hai và đến hộ thứ ba thì sẽ được quyền sở hữu cặp bò giống.

Ông Lưu Nào – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Chương trình của mặt trận nó có ưu điểm một cái là gắn trách nhiệm giữa hộ dân là đồng bào nghèo huyện Bác Ái cùng với các ngành, mặt trận, huyện, xã cũng như là tỉnh để rồi tổ chức chăn nuôi đạt hiệu quả. Hình thức này trong phạm vi 3 năm hoặc là 2 lứa là mình chuyển cho hộ nghèo khác tiếp tục chăn nuôi sau khi 2 lứa hoặc 3 năm có bò bê rồi thì mình chuyển cho hộ khác, làm như vậy mang tính bền vững hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn; bởi vì nó gắn trách nhiệm từ đầu đến cuối, từ lựa chọn con giống đến khi tổ chức chăn nuôi và hiệu quả”.

 Phần lớn các hộ chăn nuôi bò sinh sản đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo huyện Bác Ái được xem là chiếc “cần câu” tạo sinh kế bền vững cho người nghèo nơi đây phát triển chăn nuôi, sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững./.

Công Phong 


Lượt xem: 201

Trả lời