Hiệu quả từ mô hình Tổ đổi công giải quyết vấn đề nhân công mùa thu hái Cà phê ở Kon Tum

Cập nhật 13/12/2017, 15:12:27

Vụ thu hoạch cà phê 2017-2018, nỗi lo về nhân công lao động thu hái đang là một khó khăn lớn đối với nhiều hộ nông dân. Thế nhưng, ở xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum mô hình tổ đổi côfng đang thực sự phát huy hiệu quả, vừa giúp bà con nhân dân yên tâm về nguồn lao động thu hái, vừa tăng tình đoàn kết gắn bó xóm giềng.

Nông dân thu hoạch cà phê

Tại rẫy Cà phê của gia đình anh Hà Văn Lương ở thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk vào thời điểm thu hoạch, ngày ít có 15 người, ngày nhiều trên 20 người tham gia thu hái. Công lao động là anh em, hàng xóm láng giềng và lực lượng đoàn viên thanh niên trong thôn nên không phải trả giá thuê khoán hay công nhật. Bởi lẽ, tất cả những lao động thu hái này đều là thành viên của tổ đổi công trong thôn với mục đích giải quyết lao động mùa vụ, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

Bà Hà Thị Phán – Phó trưởng Thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho biết:   Ở đây thì tổ đổi công không lựa chọn gì hết, ví dụ như rẫy nào ít quả với lại đã hái tỉa thì vẫn hái, vẫn đi đổi nhau, vẫn giúp nhau.

          Thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk có tổng số 104 hộ, có 6 tổ đổi công, trung bình mỗi tổ khoảng hơn chục hộ. Ngoài diện tích 80 ha Cà phê, các hộ đều có diện tích sản xuất cao su, mì, lúa nước. Cứ đến mùa vụ là các thành viên trong tổ lại tập trung đi đổi công cho nhau, có sự phân công lần lượt xoay vòng từng gia đình. Đặc biệt trong mùa thu hoạch Cà phê, vừa đảm bảo thu hoạch kịp thời vụ, vừa bảo vệ được cành cây, hạn chế thấp nhất việc bẻ cành.

Bà Hà Thị Phán – Phó trưởng Thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà chia sẻ:  Trong tổ đổi công thì tự giác là nhà nào chín trước thì giúp nhau trong tổ hái trước nhà đấy rồi lần lượt hái từng nhà một, xong nhà này thì sang nhà khác. Cứ phải hái xong nhà nào hái dở thì hái hết được mới sang nhà khác được.

Ở tổ chức Đoàn thanh niên của xã Đăk Ngọk, mô hình tổ đổi công này đã được thành lập và đi vào hoạt động nhiều năm nay. Mỗi tổ đổi công của các chi đoàn có khoảng hơn 20 người, sau khi hái xoay vòng đổi công cho các thành viên trong tổ xong thì sẽ đi hái thuê cho các hộ khác trong thôn. Số tiền được gây quỹ để tổ chức các phong trào, hoạt động. Ngoài ra, khi tham gia hái, các đoàn viên thanh niên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế.

Anh Hà Văn Lương – Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho biết:  Đoàn viên thanh niên tham gia khá đông, và quy định là khoán cho mỗi người 2 tạ mỗi ngày trên tinh thần vừa hái vừa giúp gia đình, cứ mỗi tạ là tính giá 70 ngàn như giá khoán bên ngoài nhưng mà hái là đảm bảo giữ cành cho gia đình và không rơi vãi. Bên cạnh đó thì giúp nhau phát triển sản xuất thì thuận lợi hơn vì có người thì có kinh nghiệm, có người chưa có kinh nghiệm thì truyền đạt kinh nghiệm cho nhau.

Trung bình, mỗi hộ gia đình ở thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk có khoảng từ 1-2 ha cà phê, với số lượng lao động thu hái đổi công mỗi ngày từ 15-20 công thì chỉ trong vòng 2-3 ngày sẽ thu hoạch xong cho 1 hộ. Qua đó, tình đoàn kết gắn bó giữa các hộ dân ngày càng thêm bền chặt, ai cũng động viên, giúp đỡ nhau tập trung sản xuất, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thu Hương – Trọng Nghĩa (Đài Kon Tum)


Lượt xem: 137

Trả lời