Hiệu quả chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sàng trồng hoa lan ở tỉnh Ninh Thuận

Cập nhật 11/11/2019, 16:11:06

Ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận nhiều người biết đến mô hình trồng hoa lan của gia đình chị Phạm Thị Nhung. Với suy nghĩ “không dấu nghề”, chủ vườn lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cho những người có niềm đam mê hoa lan và muốn phát triển kinh doanh mô hình trồng hoa lan.

Với niềm đam mê trồng lan, năm 2011, trong chuyến du lịch ở huyện Củ Chi – thành phố Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Nhung ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải đã tiếp cận mô hình trồng hoa lan công nghiệp của một doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả nên quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng. Ban đầu, chị chuyển đổi nửa sào ruộng của gia đình để cải tạo và trồng thử nghiệm các giống hoa lan Mokara. Trong điều kiện khí hậu khô nóng của tỉnh, cây lan phát triển tốt và cho hoa hiệu quả. Thấy vậy, gia đình chị Nhung đã mở rộng vườn lan lên 2,5 sào với gần 10 ngàn gốc lan Mokara, kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Hoa lan của gia đình chị Nhung trồng đã thu hút nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh đến mua, nhất là vào những dịp lễ, Tết, số lượng không đủ bán.

Chị Phạm Thị Nhung – thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận tâm sự: “Ban đầu khi mình trồng giống lan Mokara này thì trên địa bàn tỉnh chưa có nhu cầu sử dụng hoa lan này đại trà, đa số là sử dụng hoa Denro nhập từ Thái Lan về, khi mà mình đem giống này về trồng và đạt hiệu quả thì các shop hoa trên địa bàn tỉnh rất thích sử dụng giống hoa này vì nó lâu tàn và thích hợp với môi trường nắng nóng của tỉnh, và hơn nữa khi bạn hàng cần thì mình cắt có ngay liền nên người ta rất thích(nối) bình thường thì gia đình cung cấp vừa đủ cho các chợ và shop hoa trong tỉnh, nhưng những ngày lễ thì rất thiếu hoa để cung cấp ra thị trường.”

Đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình chị Nhung xuất bán 200 đến 300 cành hoa lan cho các đại lý kinh doanh hoa tươi trên địa bàn tỉnh, với giá từ 7 ngàn đến 10 ngàn đồng/cành. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình chị Nhung có lãi trên 50 triệu đồng, đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 đến 10 lao động tại địa phương. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đến tìm hiểu và được chị Nhưng nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc giống lan Mokara. Hiện chính quyền địa phương có hướng nhân rộng để giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Dương Bảo Khang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Thời gian tới Hội nông dân xã và chính quyền địa phương sẽ đề xuất Hội nông dân huyện và tỉnh cho gia đình tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để tiếp tục tiếp tục nhân rộng thêm diện tích trồng lan vì mô hình này vốn đầu tư ban đầu lớn, qua đó sẽ góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình, vừa giải quyết thêm việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần giữ vững tiêu chí thu nhập NTM (nối) về lâu dài nếu diện tích trồng lan tại địa phương được mở rộng thì sẽ kết hợp phát triển mô hình du lịch trải nghiệm tại vườn lan, vừa quảng bá thương hiệu lan của thôn Thủy Lợi, vừa tạo điều kiện tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con địa phương./.”

Đình Hùng.


Lượt xem: 110

Trả lời