Di sản mùa mưa lũ

Cập nhật 25/11/2020, 10:11:43

Nằm ở hạ lưu Sông Thu Bồn, mỗi mùa lũ về, việc khảo sát, kiểm tra, bảo tồn các di tích, nhất là các di tích xuống cấp luôn được thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tập trung ngay từ đầu năm. Mặc dù vậy, Đô thị cổ Di sản ngay trong mùa lũ vẫn không thể mất đi vẻ đẹp riêng có, được nhiều người ví như một sản phẩm du lịch có một không hai ở một di sản hàng trăm năm tuổi này.

Vài thập kỷ sinh sống ở khu vực 1, Đô thị cổ Hội An, ngôi nhà có kiến trúc khá đặc trưng của gia đình Ông Vĩnh Tân – số 80 Nguyễn Thái Học, đến nay vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn…; mặc dù khu vực này gần như năm nào cũng hứng chịu ít nhất 2 trận lụt, năm cao nhất mức nước có thể lên tới gần 2 mét; toàn bộ phần nền móng của căn nhà phải ngâm mình trong nước nhiều ngày… Theo chia sẻ kinh nghiệm của gia đình ông Tân thì việc sửa chữa, tu bổ kịp thời khi có hỏng hóc cục bộ là cách giúp cho di tích luôn trong tình trạng được bảo vệ tốt nhất, mặc cho những tác động và diễn biến cực đoan của thời tiết…

Ông Vĩnh Tân – Chủ di tịch 80 Nguyễn Thái Học – Phường Minh An, Hội An, Quảng Nam cho biết: “Gia đình tôi 3 -4 thế hệ sống. Nên dễ dàng quan sát tình trạng di tích. Hư đâu thì sửa ngay ở đó, Di tích nhờ vậy mà không xuôgns cấp. Sống chung với bão lũ, kinh nghiệm cũng nhiều, nên chỉ cần có thông tin là mọi việc chuẩn bị đều được triển khai ngay. Thông tin, công với kinh nghiệm chính là thứ giúp cho người và di tích ở Hội An chủ động trong mọi tình huống. Tôi nghĩ là dù là tình huống xấu vẫn có thể ứng phó được”.

Căn nhà cổ số 116 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa chỉ trong vòng hơn một tháng qua đã phải trải qua ba lần liên tiếp ngâm trong nước lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 9 đến cơn bão số 12. Dù căn nhà có nền móng khá cao nhưng vẫn bị ngập sâu hơn 0,5 mét. Các cây cột gỗ, tường nhà bị ngấm nước nặng; Phần mái cũng xuất hiện nhiều vị trí dột nước… Điều này khiến ông Hòa vô cùng lo lắng.

Theo UBND thành phố Hội An, trước mỗi mùa mưa bão, địa phương đều đi kiểm tra hiện trạng các di tích để có phương án xử lý, khắc phục. Ngay trong đợt triển khai ứng phó với cơn bão số 5 vừa qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã phối hợp với chủ các di tích đã cho hạ giải những công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời, triển khai công tác chống đỡ, gia cố các vị trí xuống cấp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng cho biết: “Trước các cơn bão, thành phố đã cho Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra toàn bộ các di tích ở trong khu phố cổ và đã chọn những di tích mà có nguy cơ xuống cấp và nguy cơ ngã đổ khi có bão có lũ để mà khi những cái biện pháp chống. Đến nay một số di tích đặc biệt như là di tích chùa Cầu thì đã được chằng chống kiên cố và đến nay vẫn để nguyên chưa tháo dỡ. Và những việc chỉ được tháo dỡ  khi mưa bão kết thúc”.

Hiện ở Hội An có 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng; 17 di tích xuống cấp nặng và 8 di tích xuống cấp nhẹ. Trong đó, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã chống đỡ 3 di tích; chủ di tích tự chống đỡ 25 di tích và có 6 di tích không còn khả năng chống đỡ, đề xuất hạ giải. Tuy vậy, do vị trí địa lý nằm hạ du của sông Thu Bồn, nên hằng năm, phố cổ Hội An đều phải ngâm mình trong nước lũ và việc này là bất khả kháng. Do đó, tỉnh Quảng Nam cần có một đề án nghiên cứu tổng thể để có thể bảo tồn, tôn tạo mà không làm mất đi tính chân xác của các di tích qua các đợt thiên tai, bão lũ….

Hiền Viên – Trung Hiếu


Lượt xem: 32

Trả lời