DI CHÚC HỒ CHÍ MINH – “QUỐC BẢO” XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Cập nhật 23/8/2019, 08:08:56

Năm nay là tròn 50 ngày mất của chủ tịch hồ Chí Minh và 50 năm chúng ta thực hiện Di chúc của Người. Sinh thời Bác bắt đầu viết di chúc nhân dịp mừng sinh nhật 75 tuổi, tháng 5 năm 1965 và được chỉnh sửa nhiều lần vào mỗi dịp mừng sinh nhật. Khi viết Người không gọi đó là Di chúc, mà khi thì gọi là “để sẵn mấy lời”, khi thì gọi là “Thư”.

           

 Lần cuối Người chỉnh sửa lại Di chúc là vào đúng ngày sinh nhật 19/5 năm 1969. Dù chỉ khoảng 1000 từ nhưng bản Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và là “Quốc bảo” để xây dựng đất nước.

DI CHÚC HỒ CHÍ MINH – “QUỐC BẢO” XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

9h sáng, ngày 10/5/1965, tại căn nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu ngồi viết Di chúc. Bác gọi là “để sẵn mấy lời”. Người còn ghi vào đây là Tuyệt đối bí mật. Theo Ông Trần Viết Hoàn – cận vệ của Bác, trong quá trình viết, Người đã xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng từng lời. Gửi gắm vào trong đó là những lời căn dặn tâm huyết và những tâm nguyện lớn nhất của Người.

Ông Trần Viết Hoàn, Cận vệ của Bác Hồ cho biết: “Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá, mà kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức, tâm hồn cao đẹp của 1 con người hiếm có trong lịch sử, đã cả 1 đời hy sinh vì tổ quốc và nhân loại. Di chúc của Bác kết tinh giá trị nhân văn cao cả…. Bác Hồ viết lên, bởi vì cả 1 cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, cả 1 quá trình lãnh đạo đất nước, bác đã viết lại những điều dặn lại ấy, mà chúng ta chỉ có thể thực hiện”.

PGS. TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng ta có thể hiểu, di chúc là cái chống lại cái cũ kỹ hư hỏng để xây dựng cái mới mẻ tốt tươi, mà Bác dặn Đảng, chính phủ, các thế hệ tiếp theo làm những việc đó. Đó là giá trị lớn nhất mà đến hôm nay trong đổi mới chúng ta vẫn tiếp tục làm những việc mà Di chúc đã nói, ví dụ như vấn đề chỉnh đốn Đảng, xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau, hay quan tâm công việc đối với con người, vấn đề đối với quốc tế”.

PGS Nguyễn Trọng Phúc, Người đã 3 lần được gặp Bác Hồ, Ông cũng là người có tròn 50 năm nghiên cứu về Đảng và về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, có một tài liệu vẫn được ông gìn giữ như Báu vật, đó là cuốn Tạp chí học tập số đặc biệt tháng 9 năm 1969. Nhan đề “LỜI DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” 50 năm qua, những lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ: “Bác trăn trở và suy nghĩ rất nhiều, cân nhắc từng câu, từng chữ, từng ý, thể hiện trong Di chúc, kể cả cái sắp xếp nữa. Ví dụ như đặt cuộc kháng chiến chống Mỹ lên hàng đầu, nhưng khi viết về Đảng Bác lại trước hết là nói về Đảng… những điều Bác nhấn mạnh… Bác sửa đi sửa lại nhiều lần, theo chúng tôi nghiên cứu thì vì tầm quan trọng của Bản di chúc, vượt khỏi khuôn khổ của lời dặn thông thường, nó tác động lên toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta”.

Chỉ vẻn vẹn 1000 từ nhưng được viết trong 4 năm, đó là sự kết tinh cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác gắn với đại tổng kết cách mạng Việt Nam, 50 năm đã trôi qua, Bản Di chúc của Người vẫn là cương lĩnh, là “Quốc bảo” để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như lúc sinh thời Người hằng mong muốn./.

CTV Quỳnh Trang, Đức Thuận, Đức Thắng


Lượt xem: 85

Trả lời