Đak Lak – Nuôi chồn lấy cà phê cho thu nhập cao

Cập nhật 21/9/2016, 14:09:30

Thời gian gần đây nhiều nông dân ở tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn tìm hướng đi mới trong chăn nuôi, và nuôi chồn lấy cà phê là một trong những mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế, nhưng rủi ro cao do thị trường đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định. Phóng sự sau đây sẽ đề cập rõ hơn về  kinh nghiệm thành công của một chủ cơ sở nuôi chồn lấy cà phê ở huyên Krông Pách nhờ ổn định đầu ra cho sản phẩm.

 

22-9-nuoichon

Bà Phan Thị Hoà – chủ cơ sở nuôi chồn lấy cà phê ở xã Krông Búk, huyện Krông Pách cho biết, sau nhiều năm trăn trở tìm hướng đi mới trong chăn nuôi, năm 2010 gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình nuôi chồn hương lấy cà phê tại địa phương. Lúc đầu, gia đình bà đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống về nuôi, nhờ chăm sóc đúng cách nên đàn chồn của gia đình bà phát triển tốt.

Hiện tại, gia đình bà Hoà nuôi ổn định trên dưới 350 con. Hằng năm, gia đình bà Hoà cho chồn ăn cà phê từ tháng 9 khi cà phê mới bắt đầu thu hoạch đến hết mùa cà phê. Bình quân mỗi ngày, một con chồn cho từ 2 đến 3 lạng cà phê, trừ chi phí cho lợi nhuận 30 ngàn đồng/lạng. Cùng với đó, mỗi năm chồn còn sinh sản 3 lần, mỗi lần từ 3 đến 6 con, giá mỗi cặp chồn con 3 tháng tuổi là 4 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc –Cơ sở nuôi chồn xã Krông Búk, huyện Krông Pách, Đắk Lắk cho biết: “Phải cho ăn kỹ, chăm sóc phòng bệnh cho chồn”.

Chồn là loại động vật hoang dã nên khi nuôi chuồng trại cần phải được xây dựng chắc chắn, kín đáo ở những nơi ít người qua lại. Thức ăn chính của chồn vẫn là trái cây nhưng phải cho ăn thêm chất tinh bột. Đến mùa cà phê thu hoạch, khi cho chồn ăn cà phê, người nuôi phải  rửa sạch cà phê để khô nước, không sâu bệnh và chồn chỉ thích ăn cà phê quả chín mọng. Theo bà Hoà, kỹ thuật nuôi chồn lấy cà phê không khó, mà cái khó khăn ở việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đã hơn 6 năm nuôi chồn lấy cà phê, đến nay gia đình bà đã thành lập cơ sở chế biến cà phê, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định với một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Để có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, đảm bảo chất lượng, từ năm 2013 đến nay, cơ sở nuôi chồn lấy cà phê của gia đình bà Hoà đã liên kết hợp chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm với 30 hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, cơ sở thu mua 2 tấn nhân xô cà phê chồn, chế biến từ 6 đến 7 ngàn hộp cà phê các loại.

Bà Hoà nói: ” 5 năm trở lại đây người biết thưởng thức cà phê chồn ngày càng nhiều, khách du lịch mua làm quà nên thị trường tiêu thụ được mở rộng”.

Ông Dương Tiến Thanh – Chủ tịch HND xã Krông Búk, huyện Krông Pách, Đắk Lắk. Hiện nay mô hình này không những phát triển ở Đăk Lăk, còn có mô hình ở Đà Lạt. Đối với chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình vì đây là mô hình ăn nên làm ra”.

Hiện nay cà phê chồn vẫn là một mặt hàng cao cấp được nhiều người ưa chuộng, giá cà phê chồn thành phẩm trên thị trường rất cao, và người nuôi chồn lấy cà phê sẽ đạt giá trị kinh tế cao nếu có thị trường đầu ra ổn định. Do vậy, người dân muốn thực hiện mô hình này cần tìm hiểu và xác định đầu ra ổn định cho sản phẩm trước khi nuôi.

Lê Hường – Xuân Hương


Lượt xem: 1671

4 thoughts on “ Đak Lak – Nuôi chồn lấy cà phê cho thu nhập cao”

  1. Tôi ở eahleo. Tôi đang định nuôi chồn hương nhưng chưa có kinh nghiệm. Có thể cho tôi địa chỉ và số đt để được tư vấn. Xin cảm ơn nhiều!

  2. Tôi ở Buôn Hồ. Cho tôi xin số điện thoại của chủ trang trại… để được tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và mua giống nuôi.

    Sđt của tôi: 0986282749

    1. Chào bạn! Vấn đề bạn trao đổi, bạn cần liên hệ với Đài PT-TH Đak Lak để được hỗ trợ hoặc liên hệ trực tiếp với nhân vật (đã có tên và địa chỉ rõ ràng). Vì đây là phóng sự của CTV nên chúng tôi không nắm số điện thoại của nhân vật.
      Cảm ơn bạn đã quan tâm và đồng hành cùng THGL!

Trả lời