Đăk Lăk khuyến khích phát triển cà phê có chứng nhận

Cập nhật 16/12/2017, 22:12:42

Đắk Lắk hiện có trên 44.000 nông hộ tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận, với diện tích 64.107ha, sản lượng đạt 226.100 tấn cà phê nhân, chiếm trên 50% sản lượng cà phê nhân của tỉnh. Lượng cà phê này không những đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, gia tăng lợi nhuận cho người trồng mà còn giúp môi trường sống tại các vùng sản xuất cà phê ngày càng được cải thiện.

Ông Y Chuê Ksơr, ở xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar cho biết, trước đây gia đình ông sản xuất cà phê theo kinh nghiệm nên năng suất đạt thấp. Sau 4 năm tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO, ông thực hành tốt các quy trình trình sản xuất cà phê sạch, bón phân cân đối, cắt cành; thu hái đạt tỷ lệ quả chín 90% trở lên nên vườn cà phê nhà ông cho năng suất ổn định trên 4 tấn cà phê nhân/ha.

Ông Y Chuê Ksơr, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk chia sẻ “Tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, người trồng được tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cà phê. Điều yên tâm hơn là thị trường đầu ra cho sản phẩm ổn định và luôn bán được giá cao hơn, nên gia đình tôi rất phấn khởi.”

Huyện Cư M’gar là vùng trọng điểm sản xuất cà phê vối của tỉnh hiện có gần 10.000 nông hộ, với 15.000ha cà phê tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Utz và 4C, chiếm 45% diện tích cà phê trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong 10 đơn vị được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thì có 100% đơn vị tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận Utz, 4C và RFA, FLO.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk cho biết “Với diện tích dự kiến của huyện là 5000 hecta cà phê hiện nay, theo hướng sản xuất cà phê bền vững cho hiệu quả tốt, đặc biệt là giá cà phê trong diện tích vùng dự án đều được các doanh nghiệp mua giá cao hơn so với thị trường. Thuận lợi cho người dân tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp bên vững.”

Tham gia chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận, các nông hộ, doanh nghiệp được các đơn vị chức năng tập huấn về bộ tiêu chuẩn, nguyên tắc của chứng nhận, xác nhận để canh tác bền vững trên vườn cà phê. Nhờ đó, năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê được tăng lên. Sản phẩm cà phê nhân có tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận cũng được các doanh nghiệp, trong ngoài nước thu mua với giá cao hơn từ 30 đến 60 USD/tấn so với cà phê không có chứng nhận, xác nhận.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết “Khi đạt được các chứng nhận, chứng chỉ đó thì người thu mua họ sẽ có giá thưởng cao thêm để động viên khuyến khích người dân. Và cái lợi ích lớn nhất không phải tiền thưởng tăng thêm mà là lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón làm ảnh hưởng môi trường đất, nước của chúng ta, mang lại hiệu quả lớn. Trong tương lai sẽ đảm bảo cho môi trường sinh thái và cho cây cà phê phát triển bền vững.”

Từ những hiệu quả trong sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận mang lại, Đắk Lắk đang khuyến khích các doanh nghiệp, nông hộ ngày càng mở rộng diện tích sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận để không những tăng thêm thu nhập cho các nông hộ mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên các vùng trồng cà phê, góp phần khẳng định vị thế và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột – cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Lê Hường – Đức Cảnh


Lượt xem: 49

Trả lời