Cảnh giác thủ đoạn buôn bán người tại vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật 03/8/2019, 19:08:01

Tuy chưa phải là địa bàn nóng của hoạt động tội phạm mua bán người, thế nhưng thời gian gần đây, 1 số địa phương chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ mua bán người với tính chất và thủ đoạn tương tự như các vụ xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Đây là vấn đề không thể xem nhẹ, đòi hỏi chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân cần đề cao cảnh giác với tội phạm mua bán người hiện nay.

Những cô gái  may mắn thoát thân trở về đoàn tụ cùng với gia đình. Thế nhưng trong lòng họ, nỗi đau chưa thể nào nguôi ngoai, khi chính mình là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.

Nạn nhân tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Con quen nó trên Zalo,Facebook rồi nó nhắn tin với con, nó giới thiệu với con nhiều lắm rồi nó bảo con đi làm chỗ khác, không cho con làm ở đó rồi con về thăm nhà rồi con lên lại thì nó lừa con đi luôn”.

Nạn nhân tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng  cũng nói: “Đi sang Trung Quốc bạn giới thiệu cho ông Khôi, ông Khôi đó giới thiệu cho một cặp vợ chồng khác sau rồi họ để mình lại trong một căn phòng rồi họ giao dịch tiếng Trung Quốc mình không có rành. Đến buổi tối người đàn ông mua con lại rồi nói bây giờ bạn đã là vợ của tui thì mới vỡ lẽ mình bị bán nhưng vẫn không biết số tiền bao nhiêu. Ở ba ngày sau mới biết mình bị bán 11 nghin nhân dân tệ”.

Vẫn những chiêu trò cũ, lợi dụng sự cả tin, mong muốn có việc làm nhẹ nhàng, lương cao của các cô gái, hoặc lừa kết bạn, thông qua mạng xã hội, gạ gẫm, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi hay giả danh những người có địa vị trong xã hội để mồi chài, sau khi đã lấy được lòng tin của “con mồi”, các đối tượng đã lừa bán sang Trung Quốc.  Bên cạnh những trường hợp gia cảnh khó khăn thì cũng có nhiều cô gái có kinh tế khá ổn định, nhưng vẫn bị dụ dỗ, rủ rê, vì sự tò mò của tuổi mới lớn.

Bố một nạn nhân tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cũng nói: “Nó đi chơi vòng vo trong Lộc Nam, Lộc Thành rồi nghe nó kể như vậy ra ngoài chỗ nó làm ở ngoài miền Bắc, rồi nó làm ở đó, rồi một hồi có thằng bạn của nó rủ đi chơi sang giáp bên Trung Quốc. Đã ngồi trong xe rồi nó không biết chỗ nào lại chỗ nào, nó đi thẳng tới Trung Quốc. Nó nhìn biển bảng trong nhà, ngoài đường thì biết đã sang Trung Quốc, muốn chạy cũng không được”.

Các cô gái này ra nước ngoài thông qua nhiều hình thức, trái phép hoặc có phép, nhưng khi sang Trung Quốc, biết bị rơi vào cạm bẫy thì đã muộn màng. Trong đó có nhiều nạn nhân bị mua đi bán lại nhiều lần. Phần đông khi bị lừa bán ra nước ngoài sẽ bị cưỡng ép làm vợ người dân bản địa hoặc bị lạm dụng tình dục và cưỡng bức lao động. Tại tỉnh Lâm Đồng, đến nay đã có hơn 12 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, trong đó có 6 nạn nhân đã trở về, 2 nạn nhân đã lấy chồng người bản địa, các nạn nhân hiện chưa có liên lạc.

Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng- Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thủ đoạn cơ bản của các đối tượng trên địa bàn huyện Bảo Lâm thì ở đây đối tượng nhắm vào  đối tượng là cá em có kiến thức hạn chế, lừa tạo công ăn việc làm có lương cao, điều kiện về vật chất để lừa bán sang Trung Quốc”.

Tội phạm mua bán người hiện nay không từ bất kỳ thủ đoạn nào, do đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các kế hoạch, triển khai có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người của ngành chức năng thì việc nâng cao tinh thần cảnh giác của mỗi người dân là hết sức cần thiết, để công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này ngày càng hiệu quả hơn trên địa bàn toàn tỉnh./.

Hoàng Phúc – Bùi Trung – Trần Chí (Đài Lâm Đồng)


Lượt xem: 109

Trả lời