Ninh thuận phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật 18/12/2017, 20:12:16

Là địa phương có nhiều nông sản đặc thù nổi tiếng cả nước như nho, táo, tỏi, dê, cừu, thủy hải sản,… nhưng lâu nay, Ninh Thuận vẫn là một “vùng lõm” về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Với quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế đặc thù của vùng đất cực Nam Trung bộ, những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Qua đó đã tạo động lực, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, tạo ra sức mạnh “đòn bẩy” giúp tỉnh đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.

Đây là vụ thứ năm, gia đình bà Trương Thị Ngọc Loan thâm canh giống nho mới NH01-152 trên 3 sào đất rẫy, thay cho cây nho đỏ Red Cardinal truyền thống. Được sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, vợ chồng bà là một trong những nông dân đầu tiên ở Ninh Thuận thử nghiệm canh tác giống nho mới theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và bao chùm nho. Nhờ đó đã tiết kiệm công lao động, giảm rủi ro do thời tiết bất lợi, giúp vườn nho đạt năng suất cao, chất lượng tốt, cảm quan đẹp và giá bán gấp 5 lần giống nho cũ.

Bà Trương Thị Ngọc Loan – thôn Công Thành, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận. cho biết “Cái nho đỏ mình làm không ăn nữa, bệnh tật nhiều. Mình tìm hiểu giống nho này vừa đẹp, vừa ngon, ưu điểm trái ăn giòn ngọt thơm ngon. Nhà nông mà, mình thấy cái nào ưu điểm hơn thì làm cái đó thôi.”

Điểm mới trong đầu tư vào nông nghiệp năm 2017 là có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến hàng nông sản, lĩnh vực được tỉnh quan tâm khuyến khích nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Đình Quang – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận chia sẻ “Tôi có một ý tưởng, công nghệ làm ra giống nho, táo vừa sạch, vừa để được lâu. Khi tôi theo học lớp của sở nông nghiệp gặp được nhiều anh em, họ góp ý cho tôi ra gặp viên trưởng, trao đổi hướng đi. Đến giờ đã là 6 năm thực hiện cho ý tưởng của mình.”

Sau nhiều nỗ lực, đến thời điểm này, diện tích vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 720ha, tỷ trọng giá trị chiếm khoảng 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Với mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 20-25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đã Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hướng đến xây dựng 16 khu sản xuất rau an toàn và cây ăn trái với tổng diện tích 2.340ha; 4 vùng chăn nuôi gia súc có sừng trên diện tích 500ha; 5 vùng sản xuất giống và nuôi thủy sản thương phẩm quy mô 420ha…

Ông Trần Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết “Từ trên cơ sở này tiến hành xây dựng các kế hoạch và tổ chức triển khai theo hướng xây dựng các vùng sản xuất có quy mô lớn, sản xuất tập trung, tạo thành những hàng hóa đối với các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh, hạn chế thấp nhất các vùng sản xuất nhỏ lẻ.”

Phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng, có lợi thế là hướng đi đúng, từng bước đưa các mặt hàng nông sản của Ninh Thuận đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân tỉnh Ninh Thuận trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất đã tạo sức bật và bước đầu định hình dáng vẻ mới – hiện đại, bền vững và hiệu quả cho ngành nông nghiệp địa phương./.

Thúy Hằng – Asah Xuyến – Đài PT&TH Ninh Thuận.


Lượt xem: 127

Trả lời