Sắc màu văn hoá tại “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai”

Cập nhật 05/12/2023, 16:12:11

Sáng nay (5-12), tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tp.Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt, Khai mạc Không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai”. Dự khai mạc có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh và đông đảo người dân, du khách đến tham quan, thưởng lãm.

Chương trình “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai” là một trong những hoạt động văn hoá, nghệ thuật nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến với Gia Lai trong dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Đến “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai”, Nhân dân và du khách được chìm đắm trong không gian văn hóa Tây Nguyên bản địa, thông qua 30.000 bộ cổ vật do nhà sưu tầm cổ vật Đặng Minh Tâm nghiên cứu, sưu tầm như: Bộ sưu tập gùi cổ, ghè, choé cổ, trống da trâu, các loại nỏ săn bắn, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống… Đáng chú ý là Bộ sưu tập dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của vua voi Tây Nguyên rất độc đáo. Mỗi hiện vật đều gắn với một câu chuyện văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Nhà sưu tầm cổ vật Đặng Minh Tâm, tỉnh Lâm Đồng nói: “Chúng tôi đã có thiết kế tương đối hoàn thiện có những căn nhà của 5 tỉnh Tây Nguyên. Nói đên Tây Nguyên là nói đến nhà rông cao vời vợi; sau đó là nhà dài… tất cả đều được chúng tôi đưa vào trưng bày. Trong từng ngôi nhà có công cụ từ xưa đến nay, biểu trương cho đời sống văn hoá, lao động sản xuất, tính ngưỡng, tâm linh của người Tây Nguyên. Trước kia làm trong thời gian 2 ngày, 3 ngày đến 1 tuần nhưng lần này kéo dài trong 1 năm sẽ tạo dấu ấn cho Gia Lai là khi đến Gia Lai, người ta chỉ cần đến Quảng trường ĐĐK người ta đã thâu tóm được toàn bộ, hình dung ra văn hoá đặc sắc của 5 tỉnh Tây Nguyên, để bà con hiểu thêm về Tây Nguyên, yêu mến Tây Nguyên và ủng hộ các tỉnh Tây Nguyên phát triển.”

Cùng với hiện vật, không gian trưng bày còn tái hiện sinh động không gian đời sống văn hóa, sinh hoạt đời thường của cư dân Tây Nguyên. Đó là khu vườn tượng, là mái nhà rông sừng sững; là nếp nhà sàn có các bà, các mẹ cần mẫn bên khung dệt… Đặc biệt, trong không gian đầy sắc màu của “Thiêng đường Tây Nguyên – Gia Lai”, Công ty TNHH Vietnam Silk House, phối hợp với các nghệ nhân đến từ buôn làng của tỉnh Gia Lai thực hiện trình diễn dệt thổ cẩm bằng sợi tơ lụa, với mong muốn làm tăng thêm giá trị của thổ cẩm Gia Lai và trở thành một sản phẩm đặc trưng được khách du lịch yêu thích.

Nghệ nhân Beel – Xã Biển Hồ, TP. Pleiku, Gia Lai bày tỏ: “Bản thân rất là vui khi được tham gia hoạt động này,  các gian hàng trưng bày rất là đẹp, có các nghệ nhân ở Ia Mơ Nông đã dệt bằng sợ tơ mình tham quan một vòng mình thấy rất tự hào, rất là thích, tới đây mình cũng sẽ học làm ra những sản phẩm từ sợ tơ đó…”

Ông Huỳnh Tấn Phước – Chủ tịch Công ty TNHH Vietnam Silk House trao đổi: “Trên những tấm thổ cẩm chúng ta có thể giới thiệu cuộc sống hàng ngày của người địa phương, từ đó tôi đưa ra ý tưởng để nâng giá trị về kinh tế thì tôi đưa một giá trị tơ tằm cũng là một sản phẩm truyền thống. Từ những nghệ nhân dệt những bộ thổ cẩm chúng tôi sẽ cùng với nhà thiết kế tạo nên bộ thời trang và chúng ta đưa ra thế giới. Vì như hiện nay, những sản phẩm dệt tay như thế này thìu chỉ còn ở Việt Nam của chúng ta là phát triển.  Bước thứ 2, sang năm chúng tôi sẽ có một kế hoạch để đưa được thổ cẩm dệt trên sợi tơ tằm của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đưa ra thế giới.”

Đây là lần đầu tiên, tỉnh Gia Lai tổ chức một không gian trưng bày ngoài trời như một bảo tàng mở phục vụ miễn phí, để người dân và du khách được tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống sinh hoạt, văn hoá Tây Nguyên.

Phát biểu lại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn: Ngành văn hóa, bảo tàng của tỉnh xem đây là hoạt động mới để giới thiệu văn hóa và các hiện vật dân tộc học đến với công chúng. Đồng thời, qua hoạt động trải nghiệm, các em học sinh, thế hệ trẻ sẽ được trang bị kiến thức về di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên bằng những hoạt động ngoài sách vở, qua đó tiếp tục giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hoá Tây Nguyên, phát huy các ngành nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Không gian văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” sẽ diễn ra trong 1 năm, từ 5-12-2023 nay đến 31-12-2024; kết hợp cùng với các hoạt động, sự kiện văn hoá, nghệ thuật đặc sắc khác của tỉnh Gia Lai, hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại phố núi Pleiku.

Kim Ngân – Huy Toàn


Lượt xem: 7

Trả lời