Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Cập nhật 23/11/2017, 08:11:49

Ngày 23/11 là Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhìn lại câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hoá cồng chiêng ở các thôn, làng hiện nay.

Phải nói là văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú  và đa dạng của nền văn hoá Việt Nam. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại chính là niềm tự hào của các thế hệ đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Và làm thế nào để di sản ấy mãi trường tồn cùng thời gian luôn là điều mà các già làng, những nghệ nhân lớn tuổi trăn trở. Với sự mệnh của mình, họ đã và đang tiếp lửa tình yêu và niềm đam mê văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ. Câu chuyện về già Ak ở làng Choét 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku nhiều năm qua vẫn ngày ngày truyền ngọn lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một việc làm ý nghĩa.

Những động tác múa, đi xoang như thế nào sao cho đúng và uyển chuyển được già Ak tận tình chỉ dẫn cho những cậu bé trong đội chiêng nhí của làng… Dạy cho những cậu nhóc này, đòi hỏi già Ak phải có sự kiên trì song điều mà già cảm thấy vui nhất là bọn trẻ càng học càng thích và tiến bộ dần qua mỗi bài tập. Cứ thế, nhiều năm qua, bao thế hệ con cháu ở làng Choet 2, phường Thắng Lợi được già Ak dạy đánh cồng chiêng và dạy múa.

Em Ja Min-Làng Choet 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku nói: “Con được ông nội dạy đánh cồng chiêng, đi rất nhiều nơi, con rất là vui”.

Em H’SuKơ-Làng Choet 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku cũng nói: “Được ông dạy, đi thi nhiều nơi, em cũng thích. Em cũng đi biểu diễn, được giới thiệu về văn hóa, về cồng chiêng về điệu múa truyền thống và nhiều thứ khác em cảm thấy tự hào”.

Từ bỡ ngỡ, thiếu tự tin, nhờ sự chỉ dẫn tận tình của già Ak, nhiều em trong độ tuổi thanh thiếu niên ở làng Choet 2, phường Thắng Lợi đã biểu diễn thành thục những bài múa và phối hợp ăn ý khi đánh cồng đánh chiêng trong những lễ hội, những đợt giao lưu…

Em Rah Lan H’NaSa-Làng Choet 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku cho biết: “Mấy điệu múa truyền thống em rất thích, biết những điệu đó phải có người lớn dạy cho mình. Mình phải tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đấy của dân tộc”.

Già Ak- Làng Choet 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku nói: “Mình còn sống mình truyền lại cho các cháu để nó biết, múa cồng chiêng, khi mình đi giao lưu, các đội giao lưu với các huyện, thành phố. Dạy mấy con nhỏ biết đánh cồng chiêng mình mừng lắm”.

75 tuổi khi gần cả đời người, cồng chiêng ngày càng ăn sâu vào máu thịt của già Ak. Với ông và bao già làng khác ở Tây Nguyên, niềm an nhiên lúc tuổi già chính là đã góp phần lưu truyền và gieo niềm đam mê cồng chiêng đến các thế hệ con cháu, để mai này những chủ nhân tương lai của làng luôn tự hào, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc./.

Thiên Thanh-Kim Châu- Minh Trung


Lượt xem: 79

Trả lời