Gia Lai 40 năm nở hoa kết trái

Cập nhật 13/3/2015, 14:03:19

Là "cửa ngõ phên dậu" vùng Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là quê hương sinh sống lâu đời của các dân tộc anh em Jrai, Bahna và Kinh; là địa bàn có giá trị chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng trong chiến tranh giải phóng cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. 

 

Giải phóng Gia Lai 17/3/1975.

 

Trải qua bao thế kỷ đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại và phát triển, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết gắn bó, lao động cần cù, khắc phục muôn vàn khó khăn, hun đúc tinh thần thượng võ bất khuất, liên tục vùng lên chống mọi áp bức bất công của kẻ địch.

        

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng bộ Gia Lai được thành lập, trực tiếp lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vùng lên tiến hành đấu tranh cách mạng.

 

Thấm nhuần chân lý “Không có gì quí hơn Độc lập, Tự do”, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã nắm vững quan điểm cách mạng của Đảng, dựa vào dân, phát huy truyền thống quật cường, tự lực cánh sinh, kiên trì tiến hành cuộc chiến tranh, giải phóng tỉnh nhà vào 17/3/1975, góp phần cùng cả nước giành đại thắng Mùa xuân năm 1975 lịch sử.

 

 

Phần I: Ký ức hào hùng

        

Cách đây tròn 40 năm, vào những ngày tháng Ba lịch sử, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, quân và dân ta đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên. Chủ lực quân giải phóng đồng loạt tiến công đập nát tuyến phòng ngự được xem là "lá chắn thép", “pháo đài bất khả xâm phạm" của địch ở Buôn Mê Thuột, cũng là lúc quân địch ở PleiKu và Kon Tum hoàn toàn bị cô lập, tinh thần bị suy sụp nghiêm trọng. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Khu ủy V, quân và dân Gia Lai đã nhất tề đứng lên, hàng vạn người nổi dậy như sóng trào, bao vây, bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt của địch, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực của ta, với thế tiến công như vũ bão, tiến quân ào ạt về giải phóng quê hương.

 

Sau hơn 30 giờ thần tốc tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, quân và dân ta đã đập tan căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của địch ở Tây Nguyên, Quân đoàn 2 của địch bị xóa sổ, hơn 13 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Rạng sáng ngày 17 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 29 thuộc Sư đoàn 968, Trung đoàn 95, các tiểu đoàn 2, 67, 408, đại đội pháo ĐKB 231 cùng các cơ quan tỉnh vào giải phóng thị xã Pleiku, lá cờ “quyết chiến quyết thắng” của quân và dân ta tung bay trên nóc Tòa thị chính, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại: Gia Lai đã được hoàn toàn giải phóng.

 

Chiến thắng Ngày 17 tháng 3 giải phóng Gia Lai là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần bất khuất, là bản anh hùng ca tuyệt vời về đức hy sinh cao cả, ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân ta; là kết quả của đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng ta; là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân; của sự nổi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, rộng khắp của các tầng lớp nhân dânGia Lai; và là đòn “tiến công quyết định” góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

 

Cuộc trường chinh đầy hy sinh gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc kết thúc thắng lợi. Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu được thực hiện trọn vẹn, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng tiến bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, hồi tưởng lại những tháng năm oanh liệt, càng thêm trân trọng, tự hào: Hơn 15 năm bền gan kháng chiến, kể từ ngày đồng khởi 23/10/1960 đến 17/3/1975, quân dân Gia Lai đã tiến hành 12.990 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 71.898 tên địch, bắn rơi và phá hủy 1.659 máy bay các loại, phá huỷ 8.304 xe quân sự, đánh sập 791 lô cốt, 133 hầm ngầm và đốt cháy 45 kho xăng. Đảng bộ, nhân dân, các LLVT Gia Lai cùng 18 đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 78 bà mẹ VNAH, gần 4000 cán bộ chiến sỹ và nhân dân được tặng thưởng huân, huy chương cao quý, hàng ngàn gia đình có công với cách mạng.

 

Năm tháng rồi sẽ trôi qua, cuộc sống không ngừng tiến lên phía trước nhưng sự kiện ngày quê hương giải phóng mãi mãi là trang oanh liệt nhất của lịch sử mảnh đất này: Đó là thời khắc kết thúc cuộc trường chinh đầy máu lửa, hi sinh giành độc lập tự do cũng chính là thời điểm khởi đầu một chặng đường mới, xây dựng cuộc sống mới, tươi sáng hơn trên quê hương Gia Lai anh hùng.

 

 

Phần II: 40 năm nở hoa kết trái

 

     

 

Ngay sau khi được giải phóng, toàn tỉnh lại dồn sức bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, cùng cả nước vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc vừa đấu tranh truy quét tàn quân Fulrô; tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng; đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và đã tạo ra những biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội ở Gia Lai.

 

Chỉ trong thời gian ngắn, Gia Lai đã khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất. Đến năm 1985, nền kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển biến mới: nông nghiệp chuyển biến dần theo hướng phát triển toàn diện, phá thế độc canh cây lương thực, phát triển cây công nghiệp có giá trị: cao su, cà phê, và các loại cây hoa màu ngắn ngày tạo hàng hóa xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất nông – công – lâm nghiệp cùng với các vùng chuyên canh, vùng kinh tế mới, xuất hiện ở các địa phương tạo thành những điểm sáng thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.

 

Từ những thành quả bước đầu đầy khích lệ này, năm 1986, Đảng bộ, quân và dân Gia Lai bước vào thời kỳ mới, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng và phát triển theo cơ cấu công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ thương mại, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đây là giai đoạn rất gian nan, bởi đời sống người dân tuy không còn thiếu đói nhưng vẫn còn rất khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài, nhất là khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ.

 

       

Chưa bao giờ khí thế thi đua lao động sản xuất lại trở nên sôi động như những năm đầu thập kỷ 90. Những năm tháng ấy, Gia Lai ví như một đại công trường tấp nập xe pháo thi công trong ánh điện sáng ngời. Tất cả vì một Gia Lai giàu đẹp và phát triển trong tương lai.

      

Dưới chân dãy Chư A Thai huyền bí, lời khấn trăm năm, ngàn năm của các đời vua lửa. Vua lửa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nhưng chẳng được. Chỉ khi Công trình đại thủy nông Ayun Hạ được khởi công tháng 3/1990, đã cung cấp nước tưới cho trên 13.000 ha lúa nước của vùng Ayun Pa. Nhờ vào dòng nước ấy, hàng chục ngàn đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thoát được cảnh nghèo nàn, lạc hậu vốn đã đeo đẳng họ từ bao đời nay.

 

Tháng 11/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công thủy điện Ia Ly là ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc Gia Lai. Bà con sẵn sàng nhường lại đất đai buôn làng đã gắn bó với họ bao đời nay cho công trường dòng điện tương lai thắp sáng cao nguyên.

 

Nếu đại thủy nông Ayun Hạ là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Gia Lai thì thủy điện Ia Ly lúc bấy giờ là công trình trọng điểm quốc gia, lớn thứ hai sau thủy điện Hòa Bình. Thủy điện Ia Ly có công suất 720 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 3,7 tỷ Kwh. Thủy điện Ia Ly đã hoàn thành và đi vào hoạt động 15 năm nay là minh chứng hùng hồn, xứng đáng với nỗi ước ao của đồng bào các dân tộc Gia Lai. Thủy điện này và nhiều thủy điện khác trên dòng Sê San đã và đang đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Gia Lai.

      

 

Có thể khẳng định, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991), mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội.

 

Gia Lai thực sự đang chuyển mình, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân liên tục đạt 13,6%/năm. Đến nay, quy mô nền kinh tế tăng gấp 40 lần so với năm 1975, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực và đúng hướng. GDP bình quân đầu người đạt 34,1 triệu đồng/năm. Từ sau giải phóng đến năm 1991, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 40 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng gấp 87,5 lần so với năm 1991. Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 500 triệu USD.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu với kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp, du canh du cư, Gia Lai đã chuyển sang nền kinh tế hàng hóa phát triển đa dạng, có tốc độ tăng trưởng cao và cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Hiện Gia Lai đã có gần 500.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 291.000 ha đất trồng cây hàng năm và hơn 208.000 ha trồng cây lâu năm nên có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 78.000 ha cà phê, với sản lượng 187.500 tấn cà phê nhân; 105.000 ha cao su cho sản lượng 90.000 tấn mủ khô; 11.245 ha tiêu, sản lượng 32.500 tấn và 17.800 ha điều, sản lượng 44.500 tấn. Lợi thế này đã tạo cho Gia Lai nguồn thu và khả năng xuất khẩu lớn từ cây công nghiệp. Hệ thống nhà máy, xí nghiệp chế biến cao su, cà phê, hồ tiêu, điều và chè được xây dựng ngay tại các vùng chuyên canh để chế biến và phối hợp sản xuất kinh doanh nhịp nhàng, góp phần tác động, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển và thu hút thêm nhiều lao động địa phương.

        

Người dân trong tỉnh có nhu cầu đã được giải quyết cho vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển cà phê, cao su, hồ tiêu. Các sản phẩm này đã làm thay đổi hẳn bộ mặt các gia đình người Jrai, Bahna. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.

 

 

Có thể nói, trong những thành tựu đạt được, tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được xem là nổi bật nhất. Từ chỗ, giao thông đi lại chủ yếu là đường mòn. Ðến nay, Gia Lai  đã có một hệ thống giao thông khá đồng bộ với 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm…Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã, liên huyện, liên tỉnh đã cơ bản được bê tông hóa và nhựa hóa với chiều dài lên đến hàng chục ngàn km.Trong đó, đường Đông Trường Sơn đoạn tuyến qua Gia Lai dài hàng trăm km cũng đã mở ra cơ hội phát triển cho một vùng dân cư rộng lớn ở các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh. Đặc biệt, sân bay Pleiku (trước giải phóng là sân bay Cù Hanh) là một sân bay tương đối nhỏ, có từ thời Pháp, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Sân bay Pleiku đang hoạt động, mỗi tuần có 10 chuyến từ Pleiku đi thành phố Hồ Chí Minh  – Đà Nẵng – Hà Nội và ngược lại. Sân bay đang được đầu tư nâng cấp để tiếp nhận các máy bay lớn (A320). Đây chính là những mạch máu làm hồng hào bộ mặt Gia Lai, từ thành thị đến tận các buôn làng. Những con đường này đã góp phần chuyên chở những mặt hàng nông lâm thổ sản xuôi về thành thị và những nhu yếu phẩm khác ngược về miền cao.

 

Một thị xã PleiKu nhỏ bé, hoang tàn, đổ nát trong chiến tranh ngày nào. Bây giờ chỉ sau bốn mươi năm, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, đặc biệt là sự nỗ lực phi thường của Ðảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Gia Lai đã có một thành phố khang trang và trở thành một thành phố loại 2 phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh. Cùng với đó là mạng lưới đô thị phát triển đồng bộ ở các địa phương trong tỉnh, với thị xã An Khê, Ayun Pa, Chư Sê và nhiều thị trấn, thị tứ ngày càng khang trang, hiện đại, làm đổi thay hẳn bộ mặt của một miền rừng núi.

 

 

Điểm nổi bật nữa của Gia Lai sau 40 năm giai phóng, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã và đang được triển khai tích cực, rộng khắp trong nhân dân từ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và cả hệ thống chính trị, qua đó phát huy nội lực; đồng thời huy động nhiều lực lượng, nguồn vốn cùng chung tay xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, 25 xã đang được rà soát đánh giá các tiêu chí để công nhận xã đạt NTM.

 

Phong trào xây dựng NTM đã và đang tạo cho diện mạo nông thôn Gia Lai nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh huy động được 2.909 tỷ đồng để xây dựng NTM. Đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong việc hiến đất để làm đường, trường học, nhà sinh hoạt…, nhân dân trưc tiếp tham gia thực hiện các công trình phục vụ dân sinh tại địa phương. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả  đã và đang phát triển, nhân rộng trong toàn tỉnh.

 

Trở lại vùng căn cứ cách mạng Kroong năm xưa, hay về làng Sitơr quê hương Anh hùng Núp, nơi bắn Pháp chảy máu ngày nào, nay điện-đường-trường-trạm-nước sạch sinh hoạt đã được xây dựng tận nơi, đồng ruộng xanh tươi trải dài tít tắp.

 

Kinh tế phát triển nhanh, Gia Lai lại càng có điều kiện chăm lo phát triển sự  nghịêp giáo dục, y tế, văn hoá xã hội.

 

Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, thời nào cũng vậy. Nếu như năm 1975, Gia Lai có tới 95% dân số mù chữ, toàn tỉnh chỉ có 139 trường PTCS, 3 trường PTTH, thì tới năm học 2014-2015 đã có 806 trường học (mần non, tiểu học, THCS, THPT); trong đó có 15 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và 2 trường nội trú cấp tỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường và là nơi đào tạo nguồn nhân lực con em đồng bào tại chỗ cho Gia Lai.

 

Sự nghiệp Giáo dục và đào tạo của Gia Lai không những đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm mà tốc độ phát triển đang ngày càng được khẳng định. Đến nay, toàn tỉnh đã có 92,3% xã, phường, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục mầm non; 151 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra Gia Lai còn có 12 trường cao đẳng, phân hiệu đại học, trung cấp nghề, hàng năm có khả năng đào tạo từ 1,5 đến 2 triệu sinh viên.

 

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân không ngừng được củng cố và phát triển. Năm 1975, toàn tỉnh chỉ có 6 bệnh viện, 85 trạm y tế xã. Đến nay đã có 7 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 trung tâm y tế cấp huyện; 222 xã, phường, thị trấn có mạng lưới y tế hoạt động, với 734 bác sỹ, trong đó có 79% bác sỹ công tác tại tuyến xã, đạt tỷ lệ 6,85 bác sỹ/1 vạn dân.

 

Gia Lai cũng là địa phương đi đầu trong công tác xã hội hoá y tế với  sự ra đời của Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai. Đây là bệnh viện được đầu tư xây dựng hiện đại, có chất lượng khám chữa bệnh cao trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, với quy mô 200 giường, được đưa vào hoạt động từ năm 2010. Bên cạnh đó bệnh viện còn có mục tiêu liên kết đào tạo đội ngũ bác sĩ cho Gia Lai và khu vực.

 

Gia Lai là cái nôi của nền văn hoá truyền thống các dân tộc Tây nguyên, vì thế công tác xây dựng đời sống văn hóa hướng về cơ sở được đẩy mạnh. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi liên hoan, hội diễn văn nghệ được tổ chức. Nhiều sự kiện văn hóa tiêu biểu được tổ chức như: Đại hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, lễ đón bằng của UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “ Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” ; tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công Festival cồng chiêng quốc tế 2009 và nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, quốc gia và quốc tế tại Gia Lai.

 

Không nằm ngoài quy luật phát triển chung, khi kinh tế tăng trưởng, thì văn hoá có điều kiện phát triển và văn hoá phát triển lại tác động trở lại, tạo đà cho kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. Những năm qua nhờ có hai điều kiện thuận lợi ấy, mà nhiều chính sách an sinh xã hội đậm tính nhân văn ở Gia Lai được triển khai có hiệu quả, nhất là các chương trình132, 134, 135, góp phần nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm nhanh. Nếu như vào những năm 1975 sau ngày giải phóng, hàng năm tỉnh đều phải lo cứu đói cho dân, có thời điểm lên đến 50 nghìn người, thì đến hiện nay người dân gần như không còn đói nữa. Năm 1995, tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh là 35% thì đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 13,96%. 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, trên 80% hộ dân trong tỉnh được dùng nước sạch.

 

Nhờ sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và sự vươn lên của người dân nên cái đói, cái nghèo đã dần lùi xa. Cái no, cái sáng đã đến mọi nhà. Đồng bào phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng vào chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

 

Nằm ở vị trí xung yếu trên bản đồ chiến lược của đất nước, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai luôn ý thức nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Hàng năm lực lượng vũ trang tỉnh luôn triển khai tốt công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, tổ chức các hình thức diễn tập, thực hành các phương án chiến đấu, xây dựng LLVT địa phương theo hướng chính qui, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Lược lượng vũ trang địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chủ lực của TW đóng quân trên địa bàn, hoàn thiện các phương án tác chiến, sẵn sàng chiến đấu, cùng nhau phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảngvà nhân dân giao phó.

 

Cùng với lực lượng quân đội, lực lượng Công an Gia Lai cũng không ngừng trưởng thành lớn mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững tình hình ANCT, TTATXH. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động liên tục trong các địa bàn dân cư. Lực lượng an ninh từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng và củng cố vững chắc, góp phần phát hiện đấu tranh ngăn chặn kịp thời và hạn chế các nhân tố hình thành điểm nóng có thể gây mất ổn định tình hình chính trị xã hội, đập tan nhiều mưu đồ phản động của bọn Fulrô lưu vong; răn đe giáo dục phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh ở cơ sở, góp phần làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN tươi đẹp.

 

40 năm qua, Đảng bộ Gia Lai thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở của Gia Lai không ngừng được củng cố. Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh năm 2006 và Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất (2009), lần thứ hai (2014)  được tổ chức thành công; các Ngày hội đại đoàn kết toàn dân hàng năm ở các thôn, làng, đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng bền vững. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc th­ương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng được toàn xã hội đã quan tâm và đã trở thành phong trào rộng khắp. Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo được thực hiện khá tốt nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo tốt quyền tự do tín ngưỡng – tôn giáo và không tín ngưỡng – tôn giáo của nhân dân, qua đó khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội trong tỉnh đã thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ cống hiến, trưởng thành, phát huy vai trò xung kích trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xứng đáng là thế hệ trẻ vừa “hồng“, vừa “chuyên“, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha, anh đi trước.

 

Một thành tựu nữa cần được nhắc đến đó là, 40 năm qua, Gia Lai luôn chủ động tiến hành các hoạt động đối ngoại với bạn bè trong nước và quốc tế, nhất là quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa Gia Lai với Thành phố Hồ Chí Minh, giữa Gia Lai với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và Gia Lai – Atôper (Lào). Hiện nay, Gia Lai đang trở thành vùng động lực kinh tế trong khu tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, góp phần vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.

 

Ghi nhận công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống kẻ thù xâm lược, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ, quân và dân Gia Lai, năm 1978, Ðảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tỉnh Gia Lai; năm 1985 được trao tặng Huân chương Sao vàng và năm 2008 là Huân chương Hồ Chí Minh. Ðó là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ to lớn đối với Ðảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Gia Lai. 

 

Trong suốt 40 năm giải phóng, tỉnh Gia Lai luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành TW thường xuyên tạo điều kiện để nhân dân Gia Lai phát huy mọi thế mạnh và tiềm năng trong chiến đấu cũng như xây dựng quê hương.

 

Bốn mươi năm đã đi qua, những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân Gia Lai giành được là vô cùng to lớn, Gia Lai đã thay da đổi thịt, cuộc sống con người cùng cảnh sắc quê hương ngày thêm tươi mới. Nhưng có một sự thật cần nghiêm túc nhìn nhận, đó là: Gia Lai của chúng ta còn nghèo, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Chắc chắn rằng, tất cả những anh hùng liệt sĩ trước khi ngã xuống vì quê hương, đất nước đều có chung một ước nguyện thiết tha là Tổ quốc được độc lập, tự do, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Vậy! Chúng ta phải làm gì đây để máu xươ

Quốc Anh


Lượt xem: 145

Trả lời