Xuân về làng chài trên Cao nguyên

Cập nhật 01/2/2018, 14:02:34

Hơn 10 năm đến và lập nghiệp trên Tây Nguyên, lần đầu tiên hơn 30 hộ dân sống bằng nghề chài lưới trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, đã có một mùa xuân vui tươi, trọn vẹn. Không chỉ được cấp giấy tạm trú ổn định, mà làng chài – ngôi làng được hình thành, gắn bó với họ qua bao mùa mưa nắng đã được chính quyền địa phương 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum phối hợp đưa vào quy hoạch thành một trong những điểm đến trong các tuor du lịch sinh thái ở Tây Nguyên. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nên một mùa xuân ấm lòng nơi làng chài trên Cao Nguyên!

Đến làng chài vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, không khí như càng rộn ràng, nhộn nhịp hơn. Nhiều căn nhà mới đang được bà con gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng, các đặc sản nổi tiếng của dòng sông Sê San như: Chả cá thát lát; cá lóc, cá bóng phơi khô hay bánh tráng cá cơm… cũng được các gia đình chuẩn bị chu đáo để làm món quà gửi đến những vị khách phương xa khi đến tham quan, thưởng ngoạn làng chài trong dịp đầu Xuân.

Ông Nguyễn Văn Triều – Người dân làng chài huyện Ia Grai, Gia Lai nói: “Ở đây thì có buồn thiệt nhưng bù lại nhận được sự quan tâm của xã, của huyện, tỉnh thì thấy phấn khởi hơn, anh em rất vui. Năm nay ăn tết rất là sung túc”.

Không vui sao được khi nhiều năm hình thành, lênh đênh trên sông nước, đây là mùa Xuân đầu tiên mà bà con làng chài không còn lo sợ cảnh không có nơi ở ổn định, và đã được chính quyền địa phương cho đăng ký tạm trú…

Hiện tại, ngoài nghề chài lưới đánh bắt đơn thuần, tận dụng lợi thế về nguồn nước bà con đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.

Bà Nguyễn Thị Liên, Người dân làng chài huyện Ia Grai, Gia Lai cũng nói: “Đến đây làm nghề chài lưới cũng 9 năm rồi, mong muốn sắp tới đây gia đình cũng mở nhà hàng nổi nhỏ trên sông tiếp đón khách, giới thiệu văn hóa ẩm thực của miền tây như: Lẫu cá, bánh tráng cá cơm những món đặc sản của sông nước, và khách đến tham quan nuôi trồng thủy sản, chụp hình cảnh đẹp”.

Hòa hợp với những sắc màu văn hóa, cuộc sống bình dị của người dân chài là cảnh sắc núi non, sông nước hữu tình, đã tô điểm cho bức tranh mùa Xuân nơi đây thêm phần đẹp hơn, tươi vui hơn. Nhiều du khách đến đây đã ví rằng, làng chài chính là một miền Tây thu nhỏ trên vùng đất Tây Nguyên.

Chị Nguyễn Thị Thơ, TP Pleiku, Gia Lai nói: “Rất là tuyệt vời, lần đầu tiên tôi đến với nơi đây cảnh sắc tuyệt đẹp, không khí trong lành thoáng mát, đây thật sự là những cảm giác rất thú vị mà khó nơi nào cảm nhận khi đến với Tây Nguyên”.

Như nhiều mùa Xuân trước, bà con ở làng chài năm nay cũng không thể về quê sum vầy cùng gia đình.

Tuy vậy, bà con bảo rằng: năm nay làng chài đã đón một cái tết to nhất, vui nhất. Vui bởi đây là cái tết đầu tiên họ có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn trước; còn to là làng chài đã được địa phương quy hoạch, phát triển thành điểm du lịch sinh thái đón nhiều đoàn khách phương xa đến chung vui trong mùa xuân này.

Bà con nói rằng, không gian chính là khúc nhạc đồng quê của gió, của mây, của nước trải dài ngân nga mãi để họ sống và gắn bó với lòng hồ này qua bao mùa mưa nắng. Còn với những vị khách phương xa đây thật sự là một chuyến trải nghiệm thú vị khi một lần đến..

Kim Ngân – Mạnh Hà – Phan Nguyên


Lượt xem: 121

Trả lời