Xoang Tây Nguyên vào mùa lễ hội

Cập nhật 20/1/2017, 14:01:24

Mùa Xuân, mùa của lễ hội, mùa của đất trời giao thoa luôn mang đến cho lòng người nhiều cảm xúc dâng trào. Mời quý vị và các bạn cùng hòa mình vào âm thanh ngân vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, cùng đến với các buôn làng gần xa để hòa nhịp với điệu xoang uyển chuyển trong men rượu cần ngây ngất – Xoang Tây Nguyên vào mùa lễ hội…

Không gian, nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên đã phát triển đến một trình độ nghệ thuật cao.  Nghệ thuật diễn xướng tập thể của cồng chiêng Tây Nguyên đã được mọi người biết đến, thông qua sự ăn ý theo nhịp điệu, kết hợp với những điệu xoang mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng của các cô gái Jrai, Bahnar, Ê Đê, Xê Đăng… Trong đội hình xoang, bằng nét mềm mại của cơ thể, cộng với vẻ đẹp của y phục truyền thống, người phụ nữ khoe ưu thế của họ trong những vận động mềm mại, duyên dáng, trong khi dàn cồng chiêng bao giờ cũng đi thành một nhóm xen vào giữa đội hình múa, phụ họa bằng những bước di chuyển nhịp nhàng và nụ cười giao cảm… Tiếng chiêng, điệu xoang đã gắn kết trái tim đồng điệu của bao chàng trai cô gái Tây Nguyên qua bao thế hệ để rồi tạo nên những mối lương duyên gắn trọn cuộc đời mãi bên nhau.

Em Y Hoa, trường THCS Anh Hùng Wưù, xã Đăk Sơmei, huyện Đak Đoa cho biết: “Với em xoang là điệu múa rất gần gũi em đã được học từ nhỏ, được tham gia múa xoang tại các lễ hội, được tham gia tập luyện với các bạn học cùng trường. Đặc biệt khi tham gia trong các lễ hội em thấy rất hào hứng, chỉ cần nghe thấy tiếng chiêng là muốn tham gia rồi”.

Không chỉ trong tháng “ning nơng” (mùa ăn năm, uống tháng), “mùa con ong đi lấy mật”, quanh năm ở Cao Nguyên lộng gió luôn tràn ngập tiếng cồng chiêng và những điệu xoang… Trong mỗi lễ hội, xoang được đẩy lên cao trào khi tiếng cồng, tiếng chiêng tăng nhanh tiết tấu, giai điệu, đặc biệt khi chất men rượu cần đã ngấm vào trong người thì mỗi bước di chuyển trong điệu xoang của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên càng trở nên nên uyển chuyển và đẹp mắt. Bởi thế, cồng chiêng và xoang từ lâu đã trở thành 2 nhân tố quan trọng không thể tách rời, cấu thành, tạo nên không gian văn hóa lễ hội đa sắc màu.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với người Tây Nguyên trước kia chủ yếu canh tác trên nương rẫy, và chu kỳ ấy chủ yếu người ta tính theo chu kỳ canh tác lúa rẫy, thì trong mỗi công đoạn, hoạt động như thế thì chúng ta đều thấy có những lễ như là đóng cửa kho, hay lễ Sa Móc – Lễ ăn cốm mới của người Bahnar… thì chúng ta đều thấy có tiếng chiêng và múa xoang. Ngoài ra còn nhiều lễ hội khác được tổ chức trong cộng đồng, nhất là trong những tháng đầu năm mới”.

Trong không gian thiêng dưới mái nhà rông truyền thống bập bùng ánh lửa, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên hòa nhịp trong những bước di chuyển nhẹ thanh thoát của xoang, như chất men lôi cuốn mọi người tìm về lễ hội. Và chỉ khi thực sự được hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng, không gian văn hóa lễ hội… chúng ta mới cảm nhận được tình yêu với cồng chiêng, múa xoang của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên…

Em Đinh Thi Lay, làng Mơ Hra, xã Kong Lơng Khơng, huyện Kbang nói: 14 tuổi em đã biết múa xoang rồi. Khi tham gia cùng đội em cảm thấy vui, tự hào về các bài xoang mình múa, thích lắm…

“…Những bàn chân, bàn chân trần, chân đất. Bước đi rộn rã bồi hồi. Tiếng sáo bay qua chín suối, mười đồi. Cái cồng, con chiêng đêm nay cũng thức…”

Lời bài hát “Đêm xoang Tây Nguyên” của nhạc sỹ Nguyễn Cường như đã nói thay bao điều về vẻ đẹp của xoang Tây Nguyên, và trong không gian, khung cảnh làng quê, âm điệu quyến rũ đó như lại vang lên mừng quê hương đổi mới, đất trời vào Xuân…/.

Song Nguyễn- Phan Nguyên – Minh Vũ – Ksor Tuối


Lượt xem: 624

Trả lời