Trao đổi với nhà thơ Văn Công Hùng-hội viên Hội Nhà văn Việt Nam về hình ảnh con gà trong văn hóa người Việt

Cập nhật 20/1/2017, 08:01:07

Hình ảnh con gà thật là gần gũi trong cuộc sống của chúng ta. Nhất là với người dân nông thôn, tiếng gà gáy đã trở nên những thanh âm quen thuộc, báo hiệu cho một ngày mới để chuẩn bị cho công việc đồng áng…Ngoài ra, gà cũng không thể thiếu trong các mâm cỗ vào những dịp Lễ tết, cúng bái….Vậy hình ảnh con gà trong văn hóa người Việt mang ý nghĩa như thế nào, nhân dịp đầu năm mới Đinh Dậu, nhà thơ Văn Công Hùng – PCT Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh GL sẽ chia sẻ với chúng ta về điều này.

 PV: Xin chào nhà thơ Văn Công Hùng. Thưa ông, với tư cách là người hoạt động nghệ thuật, ông có thể cho biết vai trò của con gà trong đời sống của người Việt như thế nào?

Nhà thơ Văn Công Hùng-hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Không riêng gì người Việt mà hình ảnh con gà tôi nghĩ ở đâu cũng có và cũng quen thuộc, nhất là trong danh mục ẩm thực thì gà là món ăn khá phổ biến, có thể chế biến được nhiều món khá ngon. Thế nhưng riêng đối với người Việt, đất nước nông nghiệp thì hình ảnh con gà lại càng trở nên quen thuộc hơn. Lúc này gà không chỉ là một món ăn trong văn hóa ẩm thực người Việt, con gà được nâng lên ở vị trí cao hơn, con gà đã trở thành nét văn hóa dân gian của người Việt Nam. Nhất là với người dân nông thôn, hình ảnh con gà hay tiếng gáy không thể tách rời cuộc sống người. Đối với những xa quê, tiếng gà gáy còn khiến họ nhớ về quê hương một cách da diết, ở đó với biết bao ký ức về một thời, về hình ảnh người dân nông thôn chân chất, đơn sơ….

PV: Như chúng ta cũng đã biết con gà cũng là một trong những con vật không thể thiếu trong các mâm cỗ vào các dịp Lễ Tết, cúng bái, vậy ông có thể chia sẻ điều đó mang ý nghĩa như thế nào?

Nhà thơ Văn Công Hùng-hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Ngoài câu chuyện ẩm thực hay những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của người dân, con gà là vật cúng không thể thiếu trong các mâm cỗ Lễ tết hay các ngày cúng bái. Có lẽ theo quan niệm dân gian hình ảnh con gà đã trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, gà cũng là biểu tượng của sự chăm chỉ, khôn ngoan, hiền lành nên việc chọn gà để bắt nguồn từ những suy nghĩ, quan niệm như vậy.

PV: Thưa ông, đã có giờ ông có những tìm hiểu hay nghiên cứu vì sao trong các mâm cỗ Lễ tết, cúng bái, chúng ta chỉ chọn gà mà không phải là những con vật khác cũng rất quen thuộc trong cuộc sống chúng ta?

Nhà thơ Văn Công Hùng-hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Tôi không hơi bất ngờ về điều này. Đúng là lâu nay chúng ta cũng quen làm theo kiểu người làm sao người sau làm vậy mà chưa nghĩ đến việc vì sao lại chọn gà mà không phải là những con vật quen thuộc khác để đưa vào mâm cỗ trong các dịp Lễ tết, cúng bái. Thực tế thì ngoài gà thì xưa nay dân gian vẫn cúng heo, đây là hai con vật quen thuộc. Có lẽ trong nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân gian tôi cũng như những người làm công tác văn hóa nghệ thuật cũng sẽ phải tìm hiểu thêm về điều này…

PV: Vâng! Một lần nữa cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng. Nhân dịp năm mới xin chúc nhà thơ thật nhiều sức khỏe và ngày càng có nhiều tác phẩm thật sâu sắc để công chúng đón nhận.

 Hồng Uyên – Thanh Sáng

 

 


Lượt xem: 105

Trả lời