Tỏa sáng truyền thống yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Cập nhật 30/4/2015, 11:04:27

             Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Truyền thống quí báu ấy đã được tỏa sáng trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nói riêng. Trường kỳ kháng chiến với tinh thần kiên cường bất khuất, dân tộc ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối như thỏa nguyện của Bác Hồ kính yêu và của mỗi người con dân tộc Việt Nam.

Ảnh tư liệu

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc ta bước vào một cuộc trường chinh mới- kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước một đế quốc với lực lượng hùng mạnh và vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại đã đặt ra thử thách rất lớn đối với dân tộc Việt Nam với tầm vóc nhỏ bé. Nhưng càng trong khó khăn, gian khổ, nhất là khi đất nước lâm nguy, dân tộc Việt Nam càng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước nồng nàn vốn đã hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Với truyền thống kiên cường bất khuất, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cả dân tộc Việt Nam đã đồng lòng đứng lên đấu tranh đánh Mỹ với niềm tin tất thắng. Miền Bắc trở thành hậu phương lớn vững chắc để chi viện và luôn hết lòng Vì miền Nam ruột thịt, tạo động lực quan trọng để cán bộ chiến sĩ, nhân dân miền Nam chiến đấu anh dũng. Ngày ấy, Mỹ đã dồn lực lượng và phương tiện, vũ khí đáng kể trên chiến trường Tây Nguyên. Bởi đây là địa bàn chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng về quốc phòng. Nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn và khát vọng hòa bình độc lập tự do, quân và dân Tây Nguyên đã lần lượt đánh bại âm mưu chiến lược của Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang trên các chiến trường. Trung tướng Khuất Duy Tiến- Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 nói về tinh thần chiến đấu của quân và dân Tây Nguyên: " Có thể nói quân và dân Tây Nguyên có lòng yêu nước rất nồng nàn. Nhiều người lính ở Tây Nguyên dù bị thương nặng, chịu nhiều đói khát nhưng nghe địch đến là bật dậy cầm súng chiến đấu tiếp".

         

Các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa

Trong chiến dịch Pleime bắt đầu diễn ra từ ngày 19/10/1965 là một trong những minh chứng biểu thị truyền thống yêu nước và “tinh thần thép” của quân và dân Tây Nguyên. Lực lượng của địch rất mạnh với Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ cùng với nhiều lực lượng, vũ khí hiện đại. Nhưng với cách đánh táo bạo, linh hoạt và dũng mãnh, sau 30 ngày tấn công, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Chiến dịch Pleime thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn, đây là trận đầu ta thắng Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, thể hiện tinh thần của ta dám đánh và thắng Mỹ. 

         Hôm nay trở lại chiến trường Pleime năm xưa, những cựu chiến binh từng tham gia các trận đánh ở đây càng tự hào và vì mình đã có những đóng góp vào thắng lợi của ta trong trận đánh này. Khi ấy, những cựu chiến binh này thuộc lực lượng vũ trang địa phương cùng với các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 và nhân dân đã chiến đấu anh dũng kiên cường trước kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Chỉ có tinh thần yêu nước nồng nàn mới làm nên kỳ tích ấy. Ông Rơ Mah Bông- làng Me, xã Iagra, huyện Iagrai kể: " Hồi đó tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội du kích xã. Tôi được cấp trên phân công đi trinh sát, nắm bắt tình hình địch để thông tin cho bộ đội chủ lực của ta tiến hành đánh địch. Hồi đó chiến dịch diễn ra rất ác liệt, quân và dân ta chiến đấu rất anh dũng".

           Chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt là sự kết tinh tinh thần đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam. Trước âm mưu chiến lược và sức mạnh tàn bạo của Mỹ, cả dân tộc Việt Nam không phân biệt thành phần, giai cấp, già, trẻ, gái, trai… đã đoàn kết lại “thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”, nhất tề đứng lên đánh Mỹ. Với chân lý sáng ngời “không có gì quí hơn độc lập tự do”, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã xung phong ra trận, chiến đấu anh dũng, xả thân hy sinh. Có những người đã anh dũng hy sinh trước cánh cửa của ngày đại thắng- miền Nam hoàn toàn giải phóng đất nước thống nhất.

       Ông Nguyễn Hùng Tấn- TP Pleiku nói: "Tôi rất vinh dự và tự hào được tham gia trong nhiều trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để đất nước hòa bình độc lập, thống nhất như ngày hôm nay có biết bao đồng đội tôi và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã anh dũng chiến đấu hy sinh. Chúng ta mãi biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc".

       Những khoảng khắc trong những ngày tháng tư lịch sử cách đây tròn 40 năm không thể nào quên đối với mỗi người dân Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát do chiến tranh. Phút huy hoàng của lịch sử đã đến, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết tinh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta lên tầm cao mới. 40 năm đã trôi qua nhưng bản hùng ca đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi ngân vang với thời gian, là niềm tự hào lớn lao của dân tộc Việt Nam anh hùng./.

 

                                                               

Hà Đức ,R’Piên


Lượt xem: 2611

Trả lời