Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV

Cập nhật 27/5/2022, 19:05:11

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV; hôm nay Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); đồng thời thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

   Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, cùng với việc thay đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, Luật này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trong quá trình xây dựng dự án luật, hiện còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Chính phủ thống nhất với ý kiến cho rằng cần có quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.

          Cũng trong phiên làm việc sáng nay, thảo luận về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành việc bổ sung danh hiệu thi đua xã, phường, thị trấn tiêu biểu và cho rằng điều này góp phần nâng cao tiêu chuẩn của các danh hiệu thi đua và phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở. Tuy nhiên, một số đại biểu cân nhắc việc quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn “đạt chuẩn nông thôn mới”, bổ sung các tiêu chuẩn về “đạt các tiêu chí về văn minh đô thị”.

          Về căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng, một số đại biểu cho rằng đăng ký thi đua là cần thiết, tuy nhiên cũng cần có quy định những trường hợp ngoại lệ. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị bổ sung một khoản quy định “Thành tích định kỳ, xuất sắc và đặc biệt”. Đối với việc xác định phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích; một số đại biểu cho rằng điều này rất khó thực hiện. Do vậy đề nghị gộp nội dung căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua và căn cứ xét khen thưởng.

          Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trong chiều nay, có đại biểu cho rằng chính sách của Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm theo Điều 5 dự thảo Luật là rất quan trọng, cho nên cần phải có cụ thể từng chính sách của nhà nước. Các đại biểu cho rằng phải có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật đối với các loại hình, các loại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù có ràng buộc theo quy định của pháp luật nhưng việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị rà soát để quy định về loại hình doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm tương đồng với quy định tại Luật Doanh nghiệp; cần tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến quy định về đại lý, môi giới bảo hiểm để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, như quy định khái niệm về “tư vấn”, “hoạt động đại lý”, quy định về hoạt động thuê ngoài… Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định bảo hiểm bắt buộc tại một số chuyên ngành bởi các quy định trong luật chuyên ngành do các bên tự thỏa thuận, khó khả thi trong thực tiễn./.

BT: Mỹ Tiến, Trần Thi


Lượt xem: 2

Trả lời