Thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung

Cập nhật 17/9/2016, 21:09:13

Chuyến thăm của Thủ tướng và Đoàn cấp cao thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh.

Chiều 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO), Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13, từ 10-15/9/2016, theo lời mời của Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường.

thuc day quan he doi tac hop tac chien luoc toan dien viet - trung hinh 0
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.

Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta sau Đại hội XII. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng bởi Trung Quốc vừa là nước láng giềng hữu nghị, vừa là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, có quan hệ kinh tế, thương mại lớn với Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng hết sức coi trọng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã dành nghi thức chào đón cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ với 19 phát đại bác được bắn tại Quảng trường Thiên An Môn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đánh giá, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt nền tảng cơ sở tốt đẹp cho thúc đẩy hợp tác hữu nghị Trung-Việt trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng, Việt Nam coi trọng chuyến thăm Trung Quốc lần này và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tới Trung Quốc. Đây là đoàn đại biểu cấp cao lớn nhất trong năm nay mà Trung Quốc đã đón. Phía Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam. Trung Quốc đã thu xếp 5 đồng chí Thường vụ Bộ Chính trị hội kiến, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trong 6 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đã có chương trình làm việc khẩn trương, liên tục với khoảng 50 hoạt động. Thủ tướng đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường; hội kiến với Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc Trung Quốc Du Chính Thanh; Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang; Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ và một số lãnh cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Hai bên nhất trí cho rằng, tình hữu nghị Việt – Trung là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần cùng nhau kế thừa, gìn giữ và phát huy.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí kiên trì tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất các phương hướng và biện pháp lớn để đưa quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển trong thời gian tới, bao gồm duy trì trao đổi cấp cao, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa cơ quan Quốc hội, tổ chức đoàn thể và nhân dân hai nước; phát huy tốt vai trò các cơ chế hợp tác giữa hai Chính phủ, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương; phấn đấu đưa hợp tác thực chất giữa hai nước phát triển ổn định, cân bằng, bền vững.

Về vấn đề trên biển, trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, hai bên đi sâu trao đổi và nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”.

thuc day quan he doi tac hop tac chien luoc toan dien viet - trung hinh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, kết quả quan trọng của chuyến đi là hai bên đã nhất trí cần tăng cường sự tin cậy về mặt chính trị, kiểm soát và xử lý các bất đồng. Trong quá trình Hội đàm cũng như thể hiện trong thông cáo chung, hai nước nhất trí xử lý thỏa đáng các bất đồng. Theo hướng đó, hai bên nhất trí thúc đẩy cơ chế đàm phán hiện nay giữa hai nước, trong đó có cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về vấn đề biên giới lãnh thổ; cơ chế đàm phán phân định và hợp tác ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, phát huy tốt các cơ chế đàm phán hiện có. Hai bên cũng nhất trí thực hiện toàn diện, hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gặp gỡ, thăm hỏi với Đoàn các đại biểu Hội Cựu gia đình cựu cố vấn Trung Quốc từng giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến; tiếp thân mật Đoàn đại biểu Hội hữu nghị đối ngoại Nhân dân Trung Quốc và đại diện lãnh đạo Hội Hữu nghị Trung – Việt. Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của các Hội thời gian qua, đóng góp quan trọng vào việc góp phần gìn giữ, duy trì và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt – Trung ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Với tư cách là Chủ tịch Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu gồm tất cả các giới, các nhân sĩ có cảm tình với Việt Nam, đến chào và được gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Lý Tiểu Lâm cảm thấy vô cùng vinh dự. Được nghe Thủ tướng đánh giá về chuyến thăm lần này, bà nhận thấy hai nước có cơ hội hợp tác rất tốt trên nhiều lĩnh vực. Hội hữu nghị đối ngoại Nhân dân Trung Quốc tổ chức nhiều các hoạt động, trong đó có giao lưu hữu nghị thanh thiếu niên Việt – Trung. Hội sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần đưa quan hệ Trung-Việt phát triển lên một tầm cao mới.

Một kết quả quan trọng khác của chuyến thăm lần này, đó là Việt Nam và Trung Quốc đều nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương mạnh mẽ hơn. Trong đó có việc thực hiện “Thỏa thuận gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại giữa Chính phủ hai nước Việt – Trung”; áp dụng các biện pháp thiết thực cải thiện hơn nữa tình trạng mất cân bằng thương mại hai nước; đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó có gạo, các sản phẩm sữa, hoa quả…

Phía Trung Quốc khẳng định không theo đuổi chính sách xuất siêu sang Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo. Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hai bên nhất trí nghiên cứu và thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối trong khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” và “một vành đai, một con đường”; khẩn trương lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Trên tinh thần thúc đẩy hợp tác, hai bên đã ký kết hơn 10 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, du lịch. Trong chuyến đi này, bên cạnh các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương hai nước cũng đã gặp gỡ, trao đổi về các nội dung hợp tác quan trọng.

Một hoạt động quan trọng của chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này, đó là Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam cũng đã dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Cùng với việc là “quốc gia chủ đề” của hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam đã mang đến 250 gian hàng, lớn nhất trong các nước ASEAN, thể hiện là thành viên tích cực của ASEAN cũng như mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gây ấn tượng mạnh với hàng nghìn nhà đầu tư Trung Quốc và ASEAN trong chuyến thăm lần này, khi liên tục chủ trì, tham dự  các buổi gặp gỡ, đối thoại với các nhà đầu tư, như Hội nghị đối thoại bàn tròn với Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc tại Quảng Tây. Cùng với việc thông tin về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ Việt Nam luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư.

Cơ hội, không gian, tiềm năng hợp tác đầu tư vào Việt Nam rất lớn, kể cả về kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước, trong đó có Trung Quốc. Các doanh nghiệp phải đón nhận thời cơ, môi trường này, để yên tâm làm ăn đầu tư ở một nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ, các cấp chính quyền và người dân Việt Nam vui mừng đón nhận những nhà đầu tư làm ăn tốt, công nghệ thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường tốt. Đặc biệt tình hữu nghị, nền tảng chính trị của hai nước là cơ sở quan trọng để phát huy những mặt tích cực, khắc phục tồn tại, để hợp tác thương mại, đầu tư tốt hơn trong thời gian tới. 

Cũng trên tinh thần thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển, tại Quảng Tây, trong các buổi tiếp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Bành Thanh Hoa và lãnh đạo chính quyền Quảng Tây, Thủ tướng đều nhấn mạnh tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Quảng Tây cũng như giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với Quảng Tây. Đề nghị lãnh đạo các địa phương có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Cũng với tinh thần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khi đến thăm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lương Chấn Anh đã hội đàm, và một nội dung quan trọng là hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai bên. Bên cạnh đó là đẩy nhanh hoàn tất đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong ngay trong năm nay.

thuc day quan he doi tac hop tac chien luoc toan dien viet - trung hinh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp Hong Kong.

Trong các buổi đối thoại với các doanh nghiệp ở Quảng Tây, Bắc Kinh, Hong Kong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gây ấn tượng mạnh khi trực tiếp đối thoại với các nhà đầu tư và cam kết về một môi trường đầu tư thuận lợi, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam. Quan điểm này đã nhận được sự hưởng ứng, vỗ tay của các doanh nghiệp Trung Quốc ở các Diễn đàn và Hội nghị.

Với quan điểm không đánh đổi môi trường bằng mọi giá, Thủ tướng lưu ý các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam không chấp nhận những công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường. Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư Trung Quốc, ngoài việc hợp tác thương mại, trao đổi hàng hóa thì cần hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất các mặt hàng, nhất là trong lĩnh vực viễn thông; đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo đời sống cho người lao động và có trách nhiệm xã hội.

Sau các diễn đàn, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành hai nước đã được ký kết. Trong đó, tại Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Việt Nam – Hong Kong, các doanh nghiệp đã ký kết 10 Thỏa thuận hợp tác và Hợp đồng Thương mại với tổng giá trị lên đến 10 tỷ USD.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong. Sau khi thông báo về tình hình kinh tế xã hội trong nước, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng động viên bà con tiếp tục duy trì tình đoàn kết, gắn bó; hòa nhập vào xã hội sở tại và tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương đất nước; làm tốt vai trò cầu nối, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

Theo VOV


Lượt xem: 62

Trả lời