Thích ứng để học tập

Cập nhật 07/10/2021, 15:10:12

Trải qua các đợt dịch Covid – 19, việc dạy và học trực tuyến đã không còn là chuyện mới đối với giáo viên và học sinh tại tỉnh Gia Lai. Đây cũng không còn là giải pháp tạm thời nữa mà là câu chuyện thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đối với nhu cầu học tập và phát triển bình thường của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để việc học trực tuyến trở phát huy hiệu quả, rất cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để những học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến không bị dang dở việc học hành do dịch bệnh gây ra.

Cũng đầy đủ khăn quàng đỏ, quần xanh, áo trắng, cũng thực hiện điểm danh khi bắt đầu tiết học; và tương tác trực tiếp với giáo viên trong quá trình học tập, chỉ khác là điều đó không diễn ra tại trường, trong lớp học, mà là ngay tại ngôi nhà của mỗi học sinh. Dù là những buổi học trực tuyến đầu tiên của em Phạm Ngọc Bảo Châu và các bạn trong lớp 6/8, trường THCS Nguyễn Du, thành phố Pleiku, nhưng việc thích ứng của các học sinh với phương thức học tập này đã diễn ra khá thuận lợi.

Em Phạm Ngọc Bảo Châu, Lớp 6/8, Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Pleiku cho biết: “Đây là buổi học trực tuyến thứ 3 của em. Lúc đầu em còn hơi bỡ ngỡ và hơi sợ, nhưng bây giờ em đã bắt đầu thích ứng với môi trường học trực tuyến này”.

Với nhiều học sinh, đây không phải là lần đầu tiên các em làm quen với môi trường học trực tuyến. Bởi sau gần 2 năm đại dịch Covid – 19 bắt đầu xuất hiện, các trường học đã dần chủ động hơn với việc chuyển đổi trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Do vậy, mô hình học tập này đã trở nên quen thuộc hơn với đa số các em học sinh.

Em Ngô Nguyễn Vân Anh, Lớp 8/11, Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Pleiku chia sẻ: “Việc thích ứng cũng tương đối tốt do có sự giúp đỡ của thầy cô giáo, cũng như bạn bè. Với lại đây cũng là lần thứ 2 được học trực tuyến nên là mọi thứ cũng rất là thuận lợi. Đây cũng coi như là sự phát triển của thế giới hiện đại bây giờ cho nên việc thích ứng với việc học trực tuyến cũng đã trở nên dễ dàng hơn bởi sự phát triển của CNTT”.

Không chỉ đơn thuần là việc học trực tuyến, hiện nay một số trường học cũng đã bắt đầu áp dụng mô hình dạy học trực tiếp kết nối trực tuyến. Với mô hình này, nhiều em học sinh ở các vùng đỏ, cam, vàng dựa trên bản đồ thông tin dịch tễ về dịch Covid – 19 không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể tham gia học tập cùng các học sinh khác tại vùng xanh. Việc thích ứng với mô hình dạy và học này cũng rất cần thiết, vì dịch bệnh có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tại mỗi địa phương.

Thầy giáo Bạch Văn Dũng, Giáo viên Địa lý, Trường THPT Phan Bội Châu, thành phố Pleiku nói: “Trong tình hình dịch bệnh như thế này thì không có địa phương nào không có đầy đủ các vùng xanh, vàng, cam… Tôi nghĩ là rất khó.  Cho nên hình thức này tôi thấy nó rất  cần thiết”

Giãn cách xã hội để chống dịch, và học sinh chuyển sang học online là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh. Nhưng hiệu quả của vấn đề này không thể phát huy tối đa khi không ít học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được trang bị máy tính, điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu học tập, nhất là khi nhiều địa phương trong tỉnh vẫn đang là “vùng lõm” về internet, sóng wifi, khiến hệ thống học trực tuyến chập chờn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 152 ngàn học sinh đang thiếu thiết bị học trực tuyến, và một số nơi hiện chưa có Internet, sóng Wifi. Hiện tại, tỉnh Gia Lai đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” sau lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ. Tin rằng, sau Lễ phát động đầy nhân văn này, quyền được học tập của tất cả học sinh sẽ được đảm bảo tốt hơn trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch bệnh./.

Quốc Linh, Minh Trung


Lượt xem: 7

Trả lời