Tết Đinh Dậu – Chạm cửa thiền cầu may

Cập nhật 20/1/2017, 08:01:04

Nghi thức chúc Tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người. Nếp sống đẹp ngày Tết thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại và không chỉ thế từ rất lâu đời, mỗi khi tết về, nhiều gia đình Việt trên khắp mọi miền đất nước đều đến chùa lễ Phật. Đây không chỉ là tín ngưỡng về tôn giáo mà đó còn là  sự hoài vọng vào một tương lai tươi sáng, về một ngày mai với nhiều tín hiệu vui.

Đã nhiều năm nay, cứ đúng vào ngày mùng 1 tết âm lịch, chị La Lê Khuyên và con cháu trong nhà lại xúng xính quần áo đẹp đến chùa lễ Phật. Được sống trong cảm giác yên lành, bình lặng ngày đầu tiên của năm mới tại chùa là điều mà chị luôn mong mỏi. Bởi chính tại đây, chị và các con có được những phút giây lắng đọng hướng về tổ tiên, về công lao trời biển của đấng dưỡng dục sinh thành. Chính những lúc như vậy, gia đình chị lại cảm thấy gần gũi, yêu thương và xẻ chia với nhau nhiều hơn. Và cũng để từ đó, mỗi người hiểu rõ hơn giá trị vô bờ của mái ấm gia đình.

Chị La Lê Khuyên – P Tây Sơn – TP Pleiku cho biết: “Gia đình nào cũng vậy hết, từ mùng 1 đến mùng 10 tết đều thích đi chùa, tất cả các chùa để cầu xin cho 1 năm gia đình an khang, con cháu may mắn, cầu cho tất cả nhân dân an lạc, cả 1 xã hội chúng ta đều được hạnh phúc. Ai đi cũng cũng cầu mong hạnh phúc”.

Đầu năm đến chùa lễ Phật. Nét văn hóa mang đậm chất Đông Á này đã song hành cùng với hàng vạn, hàng vạn người dân đất Việt tự bao đời nay. Thắp nén nhang cầu mong sự an lạc đối với người đã khuất, nhiều người đã tìm được bản ngã, mạnh dạn nhìn vào những được, mất của ngày đã qua. Chính điều này giúp họ hướng đến những mục tiêu cho năm mới với mong cầu điều may mắn nhất sẽ đến với mình. Theo dòng phát triển của xã hội, xu hướng đến chùa lễ Phật không chỉ riêng của những người đứng tuổi mà ngày càng có nhiều thanh niên cũng thích tìm về cửa thiền vào ngày đầu năm mới.

Anh Vũ Quang Tĩnh – Đà Lạt – Lâm Đồng cũng chia sẻ: “Tôi là người Việt Nam, đất nước mình có truyền thống theo đạo phật. Mặc dù tôi không theo đạo Phật nhưng tôi rất thích cảm giác mỗi khi đầu năm mới được đến chùa, được cảm nhận mùi nhang mà mọi người thắp lên để cầu nguyện cho gia đình, bạn bè, người thân và bản thân nữa. Mình cảm thấy như mình có không khí gì đấy trong lòng, mình cảm thấy ấm áp hơn, hào hứng hơn trong cuộc sống của mình”.

Sư cô Thích nữ Hạnh Nguyên – Chùa Bửu Sơn – TP.Pleiku nói: “Năm cũ qua đi, năm mới người ta mơ ước trước nhất là gia đình được bình yên, sau đó là những người xung quanh, bạn bè hàng xóm được bình yên. Những người theo đạo phật chỉ cầu bình yên là trên hết. Còn kinh tế có lúc đầy lúc vơi nhưng mà bình yên của gia đình là điều người ta mơ ước. Và tất cả các chùa là nơi gởi gắm bình yên cho họ. Chùa và ở những nơi tín ngưỡng cũng mong muốn cho toàn thể quý vị phật tử và toàn thể người dân làm sao suốt một năm 2 chữ an lành”.

Trong không gian thiêng liêng của đất trời khi giao mùa, cửa thiền rộng mở đón nhận tất cả tâm tình của con người lúc xuân về. Giữa nén nhang trầm nghi ngút khói, tâm hồn của mỗi người sẽ được mài giũa, được hồi sinh. Đây chính là lực đẩy để từng người tiếp tục lấy thêm sinh lực, mạnh mẽ đón nhận tất cả những biến chuyển của cuộc đời với sự hoài vọng niềm may mắn tràn đầy trong năm mới này.

Thu Thủy,Minh Trí


Lượt xem: 73

Trả lời