Tây Sơn thượng đạo – Vùng đất thiêng

Cập nhật 01/2/2018, 10:02:50

Tây Sơn thượng đạo, nay thuộc thị xã An Khê và 3 huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro từ thuở rất xa xưa được xác định đất đai phì nhiêu, nhiều lâm thổ sản quý và đặc biệt có vị trí hiểm yếu nối liền giữa miền xuôi với miền ngược. Chính vì lẽ đó, miền đất này đã được 3 anh em anh hùng áo vải: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ chọn làm căn cứ địa dấy binh khởi nghiệp. Để tìm hiểu rõ hơn về vùng đất này, THGL xin giới thiệu sê ri phóng sự “Tây Sơn thượng đạo – Dấu nối từ quá khứ đến hiện tại” do PV  Đài PT-TH Gia Lai  thực hiện.

Vào năm 1771,  Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ quyết định chọn Tây Sơn thượng đạo (thuộc huyện An Khê cũ) làm nơi đầu tiên xây dựng căn cứ dấy binh lật đổ chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiêu diệt liên quân xâm lược Xiêm trên sông Rạch Gầm, Xoài Mút vào năm 1785 và đặc biệt đánh tan đội quân xâm lược khổng lồ 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh bằng chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa trong mùa Xuân Kỷ Dậu 1789.

Ngoài yếu tố nhân hòa thì có lẽ vấn đề địa lợi đóng vai trò cốt tử để cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều đó được minh chứng bằng địa thế hiểm yếu của vùng núi rừng Tây Sơn thượng đạo, đặc biệt là ngọn núi Mò O, dòng sông Ba – Mệnh danh là sông thiêng, núi thiêng, bảo vệ và che chắn phong ba, bão táp cho cộng đồng sống tại vùng đất này.

Ông Trần Kỳ Phương – Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm Pa cho biết: “Ở đây có ngọn núi thiêng là núi Mò O, bắt nguồn từ tên cổ Chăm Pa, có tên Đại Sơn, tượng trưng cho thần Si Va. Bao giờ đi liền với núi thiêng cũng là một dòng sông thiêng. Sông thiêng chính là sông Ba. Núi thiêng tượng trưng cho yếu tố cha, là yếu tố nam, sông thiêng tượng trưng cho yếu tố mẹ, là yếu tố nữ. Bao giờ dưới 2 yếu tố thiêng đó, người ta cũng lập nên trung tâm tôn giáo, chính trị, kinh tế, văn hóa ở đây”.

Sống gần trọn 1 thế kỷ, chứng kiến biết bao thăm trầm, bể dâu tại vùng đất mình sinh ra và lớn lên, cụ Lê Biểu minh mẫn kể cho chúng tôi nghe không ít câu chuyện về Tây Sơn thượng đạo – Miền đất được mệnh danh là đất thiêng hội tụ tinh hoa đất trời với những Anh hùng áo vải cờ đào làm nên lịch sử chiến đấu và chiến thắng kẻ thù cuối thế kỷ 18. Sau hơn 2 thế kỷ, Tây Sơn thượng đạo trở thành niềm tự hào, lưu giữ những ký ức, hoài bão rất riêng của mỗi người dân sống trên vùng đất này.

Cụ Lê Biểu – Phường An Phú – An Khê kể lại: Ngày xưa mùa xuân cúng lớn lắm, tế xong rồi hát bội, múa lân, múa liễn. Họ múa liễn rất hay, hết múa liễn lại múa bông, múa lân diễn lại những hoạt cảnh ngày xưa.

Chị Cao Thị Lệ – Phường An Phú – An Khê chia sẻ: “Là thế hệ trẻ sống trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo, tôi luôn mang trong mình lòng tự hào rất lớn về truyền thống của cha ông. Cũng mong rằng, những hình ảnh, lịch sử của vùng đất này được truyền bá rộng rãi để hun đúc niềm đam mê, tình yêu của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về vùng đất này”.

Có thể nói rằng, dẫu thời gian có dịch dời, thời cuộc có đổi thay thì Tây Sơn thượng đạo với biết bao dấu xưa tích cũ mãi khẳng định vị trí và nhất là vai trò của mình trong lịch sử phát triển của xã hội. Nơi đây vẫn là minh chứng rõ nét về một vùng đất thiêng chứa đựng cả một kho tàng quý báu về thời kỳ  oanh liệt của cha ông ghi dấu tích cuộc khởi nghĩa nông dân trong chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Thu Thủy – Bích Thủy- R’ Piên – H. Toàn

 


Lượt xem: 1089

Trả lời