Tây Sơn Thượng đạo – Di tích lịch sử cấp quốc gia

Cập nhật 20/1/2017, 14:01:12

Với những giá trị ý nghĩa lịch sử quý báu, năm 1991, Di tích Tây Sơn Thượng đạo ở thị xã An Khê được Bộ VH-TT&DL cấp bằng Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia. Đây không chỉ là chứng tích lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ vang danh của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu và khám phá. Nhân dịp đầu Xuân,  mời  quý vị và các bạn đến thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia này.

Tây Sơn Thượng đạo là căn cứ địa trong buổi đầu tập hợp lực lượng khởi nghĩa của của 3 anh em nhà Tây Sơn. Từ vùng căn cứ này, vào cuối thế kỷ 18 dưới sự lãnh đạo của Anh em Nhà Tây Sơn đã viết nên một trang sử vàng son trong truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chấm dứt sự chia cắt đất nước ngót 200 năm thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Năm 1991, Di tích Tây Sơn Thượng đạo ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được cấp bằng Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, gồm 6 cụm với 17 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn, trong đó An Khê Đình, An Khê Trường, An Khê Lũy, Gò Chợ… là trung tâm của quần thể di tích. Để lưu giữ những hiện vật lịch sử, Bảo tàng Tây sơn Thượng đạo tại Thị xã An khê được xây dựng với kinh phí 11 tỷ đồng trên diện tích 43ha. Hiện nay Bảo tàng đang lưu giữ 140 hiện vật chủ yếu là tranh, ảnh chụp các di tích, một ít vật dụng sản xuất, cồng chiêng, ché của đồng bào Bahnar.
Chị Cao Thị Lệ – Hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo- thị xã An Khê cho biết: “Bảo tàng ở đây lưu giữ nhiều hiện vật. Cùng với các hiện vật là các địa danh trong quần thể như An Khê Đình, An Khê trường, Gò Chợ là vị trí quan trọng, nơi người kinh tiếp xúc với người dân tộc Ba Na ở đây, để giao thương buôn bán hàng hóa. Trong quá trình buôn bán giao lưu anh em nhà Tây Sơn và đặc biệt là Nguyễn Nhạc đã vận động người dân địa phương tham gia nghĩa quân để tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Khu đây còn có Gò chợ là điểm buôn bán, xung quanh Đình có lũy An Khê, bức tường thành lũy bao bọc xung quanh nhưng nay đã không còn nữa…Nơi đây hiện nay là nơi tổ chức các lễ hội quan trọng tưởng nhớ công lao anh em nhà Tây Sơn”.

Hiếm có một triều đại nào trong lịch sử dân tộc  Việt Nam lại lập được nhiều chiến tích chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi khởi binh như nhà Tây Sơn. Điều đáng nói hơn là trong số những chiến tích đó có nhiều chiến thắng hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử đánh ngoại xâm của dân tộc. Trong đó có đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam và Mãn Thanh từ phía Bắc, bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà. Để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn, hằng năm, vào dịp Tết, tại thị xã An Khê vào ngày 9.2 nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội tế thần và ngày 10.2 tổ chức lễ hội cầu huê, buôn bán các thức ăn ẩm thực của địa phương vì nơi đây là giao thương buôn bán thời xưa của nhà Tây Sơn. Từ 1975 đến nay vào ngày mùng 4 tết chính quyền thị xã đều tổ chức lễ mừng chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Bí thư Thị ủy An Khê cho biết: “Lãnh đạo 2 địa phương An Khê và Tây Sơn đã có biên bản thỏa thuận để tạo nên du lịch gắn kết vùng miền. Về phía An Khê, chúng tôi hy vọng rằng qua đây có thể tạo được sự liên kết vùng trong du lịch. Du khách đến với Tây Sơn, sau khi tham quan các di tích ở đó xong họ sẽ được giới thiệu và tiếp tục di chuyển thêm khoảng 30 km nữa để lên An Khê và vùng Tây Sơn Thượng đạo. Rồi họ sẽ biết được rằng, sự nghiệp và cuộc đời của 3 anh em nhà Tây Sơn không chỉ nằm ở Tây Sơn mà còn hiện diện cả ở các vùng cao nguyên rộng lớn trên này”.
Tại Hội thảo “Tiềm năng và phát triển du lịch tỉnh Gia Lai” vừa qua, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu du lịch đã đánh giá cao về di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo và đã đưa ra những giải pháp để phát triển du lịch văn hóa lịch sử gắn kết vùng miền.

Ông Lê Văn Minh- Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam đánh giá: “Qua tìm hiểu phân tích chúng tôi nhận định quần thể di tich Tây Sơn Thượng đạo có giá trị ý nghĩa to lớn, thuận lợi cho việc mở rộng và tôn tạo để làm điểm đến du lịch. Theo chúng tôi nên quảng bá, kêu gọi và chọn nhà đầu tư lớn mở rộng thành tổ hợp du lịch văn hóa lịch sử cùng với nghỉ dưỡng và sinh thái; gắn liên kết vùng miền Bình Định và Gia Lai để tạo nên một chuỗi du lịch hấp dân du khách. Về phía Viện du lịch thì sẽ hỗ trợ để du lịch Gia Lai phát triển vùng di tích quan trọng này”.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo luôn là niềm tự hào của bao lớp người sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Tây Sơn Thượng. Đây không chỉ là chứng tích lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ, vang danh gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu, khám phá trong mỗi dịp Tết đến Xuân về./.

Ngọc Ánh, RPiên, Đặng Trà


Lượt xem: 5235

Trả lời