Sơ Bir – Làng triệu phú trên vùng đất khó

Cập nhật 02/2/2018, 14:02:19

Với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); song với tinh thần thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau mà những năm gần đây, bộ mặt và cuộc sống của bà con làng Sơ Bir ở vùng đất khó xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) đã có nhiều đổi thay đáng mừng với những gam màu tươi sáng. Và Xuân mới Mậu Tuất 2018 này với người dân làng Sơ Bir là mùa xuân của ấm no, hạnh phúc.  

Gương mặt điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở làng Sơ Bir là Trưởng làng Plinh. Dù năm nay mới gần 40 tuổi nhưng nhìn cơ ngơi của Plinh có lẽ ai cũng nể phục với đầy đủ các loại phương tiện như xe con, ô tô tải, các loại máy móc nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Những thành quả có được đó đều nhờ tính cần cù, chịu khó và sự mạnh dạn, thay đổi trong nếp nghĩ cách làm của Plinh. Với 5 ha đất gia đình anh trồng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cà phê, bời lời, lúa nước, chanh dây và kết hợp chăn nuôi; bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng thu được trên 300 triệu đồng.

Anh Plinh nói: “Bản thân là một trưởng làng nên gia đình phải cố gắng làm ăn để nuôi dạy con cái và để vận động dân làng xóa đói giảm nghèo; và trong làng thì phải đoàn kết, làm ăn thì phải áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bón phân đầy đủ cho thu nhập cao để xóa đói giảm nghèo trong làng”.

Làng Sơ Bir hiện có 142 hộ, gồm các dân tộc Kinh, Bahnar, Tày, Nùng, Dao, Thái cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc Bahnar chiếm khoảng 40%. Là một làng thuần nông và trong trồng trọt, chăn nuôi bà con đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng đều đạt cao và từ đó thu nhập cũng tăng lên. Toàn làng Sơ Bir hiện có 60 triệu phú trẻ tuổi với thu nhập hàng năm từ 50 triệu đến 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Anh Ní – Làng Sơ Bir, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: “Nhà tôi có 8 ha đất trồng bời lời – 6 ha, còn lại trồng cà phê 6 sào, rồi trồng được 1 ha tiêu và trồng lúa nước; nói chung bình quân mỗi năm nhà cũng thu được 200 triệu đồng”.

Cùng với thi đua phát triển kinh tế thì những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cũng được bà con chú trọng bảo tồn và phát huy. Nhờ đó mà đến cuối năm 2015 làng Sơ Bir đã thoát khỏi làng vùng 3 và từ năm 2014 đến nay làng luôn giữ vững được danh hiệu làng văn hóa. Những thay đổi về bộ mặt, đời sống của bà con làng Sơ Bir đã góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của địa phương.

Ông Hoàng Y Byới, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cũng cho biết: “Bà con trong làng thì rất là đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế – xã hội; giúp đỡ nhau về kỹ thuật trong sản xuất. Nói chung trong 7 làng thì làng Sơ Bir là phát triển nhất và sau này xã cũng tuyên truyền, vận động các làng khác học theo làng Sơ Bir để xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới”.

Một mùa xuân nữa đã về trên vùng đất khó Kon Thụp và với tinh thần đoàn kết, tích cực thi đua trong lao động sản xuất của bà con nơi đây, rồi đây, những khó khăn sẽ được đẩy lùi thay vào đó là những sắc màu tươi sáng của một cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn mỗi độ Tết đến, Xuân về./.

Đức Hải, Đặng Trà


Lượt xem: 41

Trả lời