Sắc xuân ở các làng nghề

Cập nhật 02/2/2018, 13:02:01

Một mùa Xuân mới lại về trên khắp quê hương, đất nước; và hòa trong niềm vui của sắc xuân, những làng nghề truyền thống của người  Jrai, Bahnar, từ nghề dệt thổ cẩm đến làng nghề làm nhạc cụ dân tộc dường như cũng nhộn nhịp hơn ngày thường.

Mùa Xuân đã về, cũng là lúc  chị em phụ nữ Bahnar ở xã Glar, huyện Đak Đoa tạm gác chuyện nương rẫy để dệt nên những tấm áo, tấm khăn làm bằng thổ cẩm… Sản phẩm làm ra ở đây không chỉ phục vụ cho khách du lịch đến tham quan mà còn là vật kỷ niệm để người thân tặng nhau trong dịp tết. Hôm nay, cũng như nhiều chị em khác của làng Dôr II, xã Glar, chị Đinh Mlơnh đã hoàn thành xong những sản phẩm đặt hàng cuối cùng cho khách.

Chị Đinh Mlơnh – Làng Dôr II, xã Glar, huyện Đak Đoa nói: “Sản phẩm bên mình dệt cũng nhiều mẫu mã như khăn, ví, túi xách, khố, áo nam, áo nữ mẫu cũng nhiều. Họ mua tặng nhau tùy theo tổ chức sự kiện. Họ vô đây đặt mình làm theo yêu cầu”.

Chia tay với làng dệt thổ cẩm của xã Glar để đến với làng dệt thổ cẩm Jrai ở xã Biển Hồ, TP Pleiku. Gặp nghệ nhân Rơ Lan Bel – Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Chị cho biết: Vải thổ cẩm của người Jrai không có nhiều màu sắc, kim tuyến sặc sỡ như của người Bahna, họa tiết cũng đơn sơ, mộc mạc hơn, thể hiện đúng bản chất con người Jrai chân chất, gần gũi với núi rừng đại ngàn. Màu được ưa chuộng thường là màu đen, màu trắng, đôi  khi điểm xuyết thêm màu vàng hoặc đỏ. Đặc biệt hiện nay, ngoài những tấm thổ cẩm mang đậm đà bản sắc dân tộc thì chị em phụ nữ Jrai còn có nhiều sáng tạo, dệt những tấm áo thổ cẩm cách tân hiện đại.

Chị Phạm Thị Tuyển – Chủ tịch Hội LHPN xã Biển Hồ, TP Pleiku rất tự hào khi mặc trên người một chiếc áo thổ cẩm do chính những người trong làng nghề ở Biển Hồ dệt nên, chị cho biết: “Chiếc áo này mình được chị chủ nhiệm câu lạc bộ dệt thổ cẩm của 5 làng của xã Biển Hồ tặng, mình thấy nó rất là đẹp, mình rất thích nó. Khi mà mình mặc đi đến nơi công sở được nhiều chị, em đón nhận và nhiều chị, em cũng muốn may được 1 chiếc áo giống như mình…Chiếc áo này cũng được Hội LHPN TP Pleiku công nhận là sản phẩm sáng tạo của câu lạc bộ này”.

Nếu như nghề dệt thổ cẩm mang đến những sắc màu cho cuộc sống, thì âm thanh nhạc cụ dân tộc lại góp phần không nhỏ trong đời sống tinh thần của người dân tộc Bahna, Jrai.  Sự đam mê đôi khi không chỉ dừng lại ở việc dạy cho thế hệ trẻ mà nó còn là cái nghề gắn bó suốt cuộc đời của mỗi nghệ nhân. Tỉ mỉ vót từng thanh tre, thanh nứa để làm nên những chiếc đàn đàn Goong, đàn Krong Pút hay đàn T’rưng truyền thống… Đó là tất cả những gì mà nghệ nhân Siu Thưm ở Pleiku Roh, TP Pleiku đã và đang làm để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, những chiếc đàn anh làm đã được nhiều người biết đến.

Nghệ nhân Siu Thưm – Pleiku Roh, TP Pleiku nói: “Tháng gần Tết người ta đặt hàng cũng nhiều, người đồng bào cũng có, người kinh cũng có. Nói chung là họ đặt mua về tập về cho mấy em, có làng mua về tập cho mấy đứa nhỏ đón giao thừa, còn người kinh thì cũng đặt các loại đàn lớn về đánh, đàn  nhỏ về trưng bày.

Một mùa Xuân nữa đã đến, người Bana, Jrai nói riêng và người dân tỉnh Gia Lai nói chung cùng đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc. Nếu tiếng cồng chiêng là âm thanh đặc trưng trong các lễ hội văn hóa thì những bộ trang phục truyền thống tạo nên không gian sắc màu cho ngày hội. Những bộ trang phục thổ cẩm không chỉ làm cho lễ hội thêm lung linh sắc màu mà ở đó còn lưu giữ những giá trị truyền thống chứa đựng cái hồn và bản sắc văn hóa dân tộc của người Bahna, Jrai./.

Lệ Xuân, Cao Duy


Lượt xem: 93

Trả lời