PV Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa ChămPa Trần Kỳ Phương về các giá trị khảo cổ tại An Khê

Cập nhật 01/2/2018, 14:02:09

Cùng với hàng loạt di tích, di sản tự nhiên và lịch sử văn hóa được khai quật, các giá trị khảo cổ học có niên đại hàng nghìn năm mới phát hiện tại thị xã An Khê đã và đang là điểm đến của các nhà nghiên cứu và du khách. Mở rộng vấn đề này, phóng viên Thời sự đài PT-TH Gia Lai có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm Pa Trần Kỳ Phương về vai trò, vị trí và ý nghĩa của các di tích khảo cổ tại An Khê trong sự phát triển chung của xã hội.

Phóng viên Thu Thủy:

Thưa nhà nghiên cứu khảo cổ học Trần Kỳ Phương, sau nhiều lần tìm hiểu, khám phá, ông có đánh giá gì về vai trò, vị trí của An Khê trong quá trình phát triển giao thương từ miền xuôi lên miền ngược ở thời kỳ cổ?

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương:

Chúng ta thấy rằng, An Khê là nơi tập trung các nguồn hàng lâm thổ sản quý hiếm, cụ thể là từ phía Tây, vùng Cao Nguyên tập trung tại An Khê để chuyển đến cảng thị Quy Nhơn đi các nước, đặc biệt thị trường vùng Đông Á, Ả Rập, Ấn Độ. Từ cảng thị Quy Nhơn, người ta chuyển những mặt hàng kỷ nghệ như chiêng, ché, nồi đồng, vải lụa từ những trung tâm kỹ nghệ lớn ở Đông Á, Hoa Nam về vùng phía Tây và có thể xa hơn như vùng Đông Bắc Thái Lan. Điều đó chúng ta có thể thấy, chứng minh qua các công trình kiến trúc. Có những nhà nghiên cứu so sánh, nghiên cứu các dạng thức kiến trúc ở An Khê với tháp Phi Mai ở Thái Lan, tháp Ăng Ko đều cùng một dạng thức kiến trúc, cùng niên đại nằm ở cuối thế kỷ 12 đến thế kỷ 13.

Phóng viên Thu Thủy:

Thưa ông! Như vậy thì ông có nhận định gì về nền văn hóa Chăm Pa cổ trong sự phát triển của An Khê?

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương: Chúng tôi tìm thấy ở đây nhiều vết tích công trình bằng đá như là tượng đá đầu rắn Naga đang ở trong bảo tàng An Khê được phát hiện nằm dưới chân nền nhà ông Nhạc, vài chân đèn ở niên đại thế kỷ XV. Nổi bật hơn hết là ở vùng Tư Lương, kế cận An Khê, ngày xưa vốn cùng thung lũng. Bia Tư Lượng là chứng cứ rõ ràng cho việc hiện hữu văn hóa Chăm Pa ở đây. Những di tích Chăm Pa để lại ở An Khê này dù ít nhưng có giá trị rất lớn vì đó là chứng cứ vật chất một quá khứ huy hoàng đã từng tồn tại ở vùng đất An Khê này. Từ thế kỉ XV đến thế kỷ XVIII khi xảy ra cuộc khởi nghĩa anh em nhà Tây Sơn không xa lắm, 300 năm ngày xưa không thay đổi nhiều.

Phóng viên Thu Thủy:

Đứng ở góc độ là nhà nghiên cứu khoa học, ông có khuyến cáo, kiến nghị gì đối với chính quyền địa phương có những giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa cổ tại vùng đất An Khê?

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương: Để gìn giữ một di sản văn hóa thì không chỉ ở chính quyền và một tổ chức đoàn thể mà đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng, toàn dân. Họ tự hào với di sản vốn có thì chính họ sẽ giữ gìn di sản tốt nhất. Như vậy để tất cả mọi người hiểu được giá trị của di sản trên vùng đất của mình thì chúng ta phải nhắm vào sự giáo dục. Giáo dục có nhiều cách: Trong trường học, trên bảo tàng cũng là hoạt động rất tốt. Giáo dục trên bảo tàng gắn với các trường tiểu học, trung học ở địa phương là hình thức tốt cho các em biết được những giá trị văn hóa mình đang có. May mắn An Khê đang có những di tích nổi tiếng thuộc thời đại đồ đá cũ hơn 8.000 nghìn năm, đã được các nhà khoa học chứng minh về điều này. Đó là vinh dự rất lớn cho An Khê. Ở Việt Nam thì chỉ ở An Khê mới có. Quá khứ đó không chỉ lâu dài mà huy hoàng. Chính sự tự hào đó giúp họ chung tay với chính quyền bảo tồn. Nếu bảo tồn tốt thì chúng ta mới có thể nói đến việc phát huy được. Một khi chúng ta bảo tồn được thì An Khê sẽ trở thành tụ điểm văn hóa, trở thành nơi thu hút du khách.

Phóng viên Thu Thủy:  Xin cảm ơn ông đã trao đổi cùng chúng tôi./.

Thu Thủy – Bích Thủy – R’Piên

 


Lượt xem: 192

Trả lời