Phát triển rau xanh trong đồng bào DTTS ở huyện Đak Đoa

Cập nhật 16/12/2020, 16:12:54

Chuyển dần một số loại cây trồng truyền thống như mỳ, ngô; nhiều bà con DTTS ở huyện Đak Đoa nay đã phát triển thêm rau xanh. Đặc biệt là trên một số diện tích tiêu chết, thậm chí là cả diện tích đất đã từng trồng cà phê;nhiều loại rau xanh đã được bà con đưa vào sản xuất giúp tăng thêm nguồn thu mỗi năm cho gia đình. PS được thực hiện tại xã Hà Bầu.

Chuyển dần một số loại cây trồng truyền thống như mỳ, ngô; nhiều bà con DTTS ở huyện Đak Đoa nay đã phát triển thêm rau xanh. Đặc biệt là trên một số diện tích tiêu chết, thậm chí là cả diện tích đất đã từng trồng cà phê;nhiều loại rau xanh đã được bà con đưa vào sản xuất giúp tăng thêm nguồn thu mỗi năm cho gia đình.

Toàn bộ diện tích này trước đây là vườn cà phê của gia đình ông Trương ở làng Ring Rai, xã Hà Bầu; thế nhưng từ năm 2019 đã được thay thế bằng những vụ rau màu ngắn hạn. Bình quân mỗi vụ từ 2-3 tháng tùy từng loại rau nên mùa nào gia đình ông cũng có sản phẩm để thu hoạch. Đặc biệt để đảm bảo sản phẩm đầu ra ổn định theo yêu cầu của đơn vị thu mua và đạt về giá cả, sản xuất rau xanh của gia đình không sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trương – Làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa cho biết: “Đầu tiên đất đây là trồng cà phê, nhưng rồi trồng cà phê thu cũng không mấy nên chuyển sang làm rau.Từ ngày tôi về đây là làm dưa leo đầu tiên. Trồng rau thấy đỡ hơn tí, cứ 2 tháng, 3 tháng thu một lần; nếu không có gió bão gì như đợt vừa rồi thì cũng hơi khá tí”.

Với một xã có hơn 1.820 hộ với hơn 7.800 khẩu; trong đó phần lớn là đồng bào DTTS Ba Na; những năm qua, xã Hà Bầu đã và đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trong đó có sản xuất rau xanh. Từ chỗ các hộ dân ban đầu chỉtận dụng đất vườn xung quanh nhà để trồng rau xanh bổ sung thức ăn cho cuộc sống hằng ngày; đến nay nhiều hộ đã tham gia sản xuất theo hướng kinh doanh. Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Em H’Vương – Làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa cũng nói: “Trồng rau nó lợi hơn, với lại cũng đỡ hơn. Cái này bữa trước là trồng dưa leo, xong rồi trồng đậu, xong rồi tới cái này;cứ quay vòng vậy à”.

Ông Y Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa cho biết: “Một số hộ dân hiện nay diện tích nhỏ thì nói chung cũng định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là từ cây cà phê sang trồng cây ngắn ngày. Thì hiện nay đối với bà con cũng hưởng ứng,cũng đã thay đổi trồng các loại rau màu làm sao để tăng thu nhập”.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế diện tích sẵn có của địa phương, việc phát triển sản xuất rau xanh ở xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa đã giúp đồng bào DTTS, nhất là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập.Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Hà Bầu đạt 42,1 triệu đồng và toàn xã còn 28 hộ nghèo trong tổng số 1.826 hộ của toàn xã; góp phần để xã hoàn thành 02 tiêu chí được xem là khó nhất trong xây xây dựng nông thôn mới ở các địa phương hiện nay, đó là tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo. Với những hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại của việc phát triển rau xanh trong đồng bào DTTS ở địa phương; thời gian tới, xã Hà Bầu sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng rau xanh theo hướng “an toàn” để không những giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế mà hơn hết là giúp thay đổi tư duy, cách làm của người dân; hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Mỹ Tiến – Thu Thủy – R’Piên


Lượt xem: 23

Trả lời