Phấn đấu đạt tỷ lệ 30% nữ đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021

Cập nhật 25/4/2016, 14:04:08

Trong các cuộc bầu cử những nhiệm kỳ gần đây, mục tiêu phấn đấu 30% nữ ĐBQH, đại biểu HĐND được đặt ra, song đều chưa đạt được. Làm gì để nâng cao số lượng và chất lượng nữ đại biểu các cơ quan dân cử là vấn đề đang được quan tâm? Và vấn đề này đã được đặt ra tại Hội Thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND và việc thúc đấy bình đẳng giới” do Ủy ban về các vấn để xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây tại TP. Tuy Hòa. Tham gia hội thảo có đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo Đoàn đại biểu QH và các nữ ứng cử viên ĐBQH và HĐND 12 tỉnh khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên.

Theo số liệu dẫn ra tại hội thảo: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây. Đối với HĐND nhiệm kỳ 2011 – 2016, mặc dù tỷ lệ nữ cao hơn nhiệm kỳ trước ở cả 3 cấp, song còn cách rất xa mục tiêu 30%. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy bản về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân khiến nữ đại biểu đạt tỷ lệ thấp, trong đó có vấn đề định kiến giới. Cũng vì thế cơ hội để các nữ ứng cử viên trở thành đại biểu dân cử chưa nhiều.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy bản về các vấn đề xã hội của Quốc hội Cho biết thêm một số nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đại biểu nữ đạt thấp: Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ thời gian qua chúng ta cũng chư quan tâm thích đáng. Về chế độ chính sách như tuổi nghỉ hưu của nữ cũng cản trở phụ nữ tham gia bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực chính trị .

     Tính đến ngày 19/4/2016 đã có 38/63 tỉnh, thành phố gửi biên bản hiệp thương lần 3. Tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH khóa XIV trung bình cả nước đạt 37,5%, đảm bảo tỷ lệ của luật bầu cử và cao hơn so với khóa XIII. Nhiều người cho rằng: Để đạt được tỷ lệ 35% nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không khó. Tuy nhiên, làm gì để tăng tỷ lệ đại biểu nữ đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

   “Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng phải thực sự quan tâm, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ.  Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc cử tri tới đây”… Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hộị cho biết: “Vai trò của các cấp hội phụ nữ cũng rất quan trọng như trong tuyên truyền vận động bầu cử; tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho phụ nữ”.

     Tại Phú Yên, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 – 2016 ở cả 3 cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tỉnh tăng 3,5%. Hiện tại, ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 32 người, chiếm tỷ lệ 38%. Nhìn chung về tổng thể, tỉ lệ đại biểu nữ có tăng, nhưng tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng, nắm giữ vai trò chủ chốt trong những nhiệm kỳ qua còn thấp.

Ông Võ Minh Thức, UV BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết: “Vấn đề bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia đại biểu QH, HĐND đã được tỉnh ta đặt ra. Tuy nhiên, việc thực hiện vấn đề này còn hạn chế, trong nhiệm kỳ này tiếp tục quan tâm”.

     “Nữ ứng cử viên ĐBQH, HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới” là vấn đề được đặt ra lâu nay. Thế nhưng, việc thực hiện và cụ thể hóa những chủ trương, chính sách đã đưa ra vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Tăng số lượng và nâng cao chất lượng nữ ĐBQH và đại biểu HĐND tiếp tục là vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ 2016 – 2021./.

 

Nguyễn Hiền – Quốc Hoàn


Lượt xem: 94

Trả lời