Nơi “gieo mầm” phong trào cách mạng ở Gia Lai

Cập nhật 12/4/2022, 07:04:55

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai. Song song với thiếp lập bộ máy cai trị theo xu hướng ngày càng phát xít hóa, thực dân Pháp thi hành khai thác thuộc địa, chiếm đoạt tài nguyên, chiếm đất đai lập đồn điền. Dưới sự cai quản của chế độ thực dân Pháp với nhiều chính sách cai trị hà khắc, sưu cao thuế nặng đã làm dấy lên phong trào cách mạng ở tỉnh Gia Lai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ những phong trào đấu tranh trong các đồn điền đã lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân để cùng với cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945. Đây là nơi “gieo mầm”, xây dựng phong trào cách mạng ở Gia Lai ngày càng lớn mạnh và đặt nền móng thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Ở Gia Lai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm 1930, 1940 của thế kỷ 20, những chiến sĩ cách mạng lên hoạt động tại Gia Lai, xây dựng phát triển phong trào cách mạng trong đồn điền và một số địa phương. Trước những áp bức của thực dân Pháp, dù chưa có tổ chức Đảng song dưới sự lãnh đạo của những chiến sĩ cách mạng, phong trào đấu tranh chống lại những chính sách hà khắc của thực dân Pháp trong các đồn điền ngày càng lớn mạnh. Những tổ chức như: Công hội đỏ, Hội cứu tế đỏ với những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, như: Hà Thế Hạnh, Trần Ren, Phan Thủy Tú và Lâm Thị Nở đã lãnh đạo, gắn kết phong trào cách mạng trong các đồn điền để chống lại sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp.  Đây được xem là nơi đã “gieo mầm” cho phong trào cách mạng ở tỉnh Gia Lai.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Từ năm 1930 sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì vùng đất Bắc Tây Nguyên trở thành trung tâm lao tù của chế độ thực dân. Mà ở đây ý đồ của thực dân Pháp là đưa những chiến sĩ cộng sản đến những vùng rừng thiêng, nước độc cộng với chính sách cai trị hà khắc để làm thui nhột ý chí và mất đi tinh thần chiến đấu của mình. Thế những có một cái điều ngược lại, chính những nhà tù như: ngục Đăk Lây, ngục Kon Tum và sau này là nhà lao Pleiku của chúng ta đã trở thành những trường học của những người cộng sản. Chính từ đây cùng với những công trình làm đường thì phong trào đấu tranh trong các đồn điền  như: đồn điền chè Bàu Cạn, đồn điền chè Biển Hồ, đồn điền Đak Đoa là những nơi có phong trào mạnh nhất đã ảnh hưởng đến đồng bào các dân tộc ở tỉnh Gia Lai.”

Từ các phong trào đấu tranh trong các đồn điền và với sự ra đời của tổ chức Đoàn Thanh niên ở các địa phương trong tỉnh lúc bấy giờ là lực lượng nòng cốt cùng với Nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Gia Lai với cuộc mit -tinh diễn ra vào ngày 23/8/1945 tại sân vận động tỉnh lỵ Pleiku với sự tham  gia của gần 10.000 người; góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngay sau đó, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai ra đời và đi vào hoạt động.

Trước yêu cầu của cách mạng, từ khi chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Gia Lai được thành lập tại thị xã Pleiku lúc bấy giờ vào ngày 1/10/1945 thì đến ngày 10/12/1945 Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập với tên gọi Đảng bộ Tây Sơn. Đây là bước ngoặt lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh Gia Lai.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai ra đời thì chúng ta thấy là cách mạng của Gia Lai chuyển sang một giai đoạn mới thì ở đây tất cả các phong trào cách mạng trong tỉnh đã được tổ chức lại và được sự lãnh đạo thống nhất để tổ chức các phong trào chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược tỉnh Gia Lai lần thứ 2 vào tháng 6 năm 1946. Cũng từ đây chúng ta đã tiến hành các phong trào như là cùng với xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng thì chúng ta thành lập các Căn cứ lõm, rồi tổ chức lực lượng quân đội, các lực lượng vũ trang và đánh địch giành được những chiến công lớn”.

Từ những hạt mầm cách mạng trong phong trào đấu tranh ở các đồn điền trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã dấy lên phong trào cách mạng đấu tranh mạnh mẽ ở tỉnh Gia Lai và đặt nền móng vững chắc cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh để lãnh đạo quân và dân trong tỉnh giành thắng lợi vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và xây dựng tỉnh nhà phát triển như ngày hôm nay./.

Đức Hải, R’Piên


Lượt xem: 28

Trả lời