Những tỷ phú nông dân vùng biên

Cập nhật 25/1/2017, 08:01:03

Giữa núi rừng biên giới, từ những thung lũng bỏ hoang, khô cằn, bạc màu nay trở thành những rẫy cà phê, điều, hồ tiêu xanh tốt cho năng suất cao.  Có thể nói, “Thiên không thời, địa không lợi vậy mà nhân hòa”, ngày nay lên vùng biên giới Gia Lai mọi người không chỉ ấn tượng với núi rừng hùng vỹ mà còn ấn tượng bởi hình ảnh người nông dân cần cù, hăng say lao động, vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của khí hậu và địa hình để vươn lên làm giàu…!

Ngôi nhà mới khang trang nổi bật giữa làng Lang, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, chủ nhân ngôi nhà gần 1 tỷ đồng và khu vườn rộng 5ha này không phải ai khác mà chính là người nông dân đã bao năm gắn bó trên vùng đất biên giới – Đó là già Rơ Ma Hunh, một trong những người tiên phong khai phá đất hoang, mạnh dạn đưa các loại cây công nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu vào sản xuất để từng bước thay đổi tập quán canh tác của bà con và vươn lên làm giàu cho gia đình.

Ông Rơ Ma HLunh, làng Lang, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Được tham gia tập huấn…Giờ thì mình chỉ lại điều đó cho con cháu trong nhà, trong làng để nó tiếp tục làm ăn phát triển hơn nữa”.  Dù đã bước sang tuổi 80 nhưng già Hlunh vẫn hăng say lao động. Ngoài 20ha đất rẫy chia đều cho 5 người con, bản thân già và đứa con gái út còn canh tác 5ha cà phê và hồ tiêu. Đêm hôm, sáng tối không ngại vất vả già Hlunh luôn tất bật với công việc nhất là vào những vụ thu hoạch. Nhờ canh tác đúng kỹ thuật nên cà phê, hồ tiêu của gia đình luôn đạt năng suất, chất lượng cao, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Đáng quý hơn, cách làm, mô kinh tế của già Hlunh giờ đây đã được rất nhiều bà con trong và ngoài vùng biết đến để cùng chia sẻ, học tập và nhân rộng.

Anh Siu Nhen, làng Mooc Den, xã Ia Tom, huyện Đức Cơ, Gia Lai nhận xét: ‘Già đã rất thành công, mình đến để nhờ già chỉ cho cách làm trồng cây tiêu, cà phê, cây điều để có năng xuất đem lại thu nhập, phát triển gia đình”.

Cũng được biết đến là người chinh phục thành công vùng đất khó, nhưng anh Bùi Văn Dũng dân tộc Mường, quê Thanh Hóa lại chọn cho mình một cách đi riêng. Hơn 20 năm bôn ba khắp nơi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, nuôi hi vọng cải tạo vùng đất hoang thành trù phú, anh đã quyết định lựa chọn hình thức dồn điền, đổi thửa để xây dựng trang trại theo mô hình kinh tế VAC.

Đất không phụ lòng người, sau gần 10 năm gầy dựng anh Dũng đã có trang trại rộng 15 ha với: 4ha điều; 3ha cà phê; 5ha cao su kết hợp với nuôi cá và trồng lúa nước cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Giờ đây đã trở thành tỷ phú vùng biên, anh Dũng còn giúp bà con nơi đây mở ra một hướng phát triển kinh tế mới bền vững.

Anh Bùi Văn Dũng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Tôi cũng ước muốn, quyết tâm từ lâu, nay có kết quả thì cũng muốn giúp bà con làm sao để phát triển kinh tốt, bản thân thì cũng chia sẻ kỹ thuật, cách làm và giúp đễ về giống, nhưng quan trọng là mình phải quyết tâm làm”.

Ông Nguyễn Văn Lựu, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai đánh giá: “Đây là những mô hình điểm về phát triển kinh tế rất tốt, xã mong muốn và sẽ tuyên truyền để bà có cùng học tập và tạo điều kiện để nhân rộng những mô hình này trong thời gian tới”.

Khó khăn không cản được ý chí của những nông dân mang trong mình quyết tâm đánh thức tiềm năng vùng đất còn nhiều khó khăn. Và câu chuyện làm giàu của những tỷ phú nông dân nơi biên giới cứ thế lan truyền qua từng ngọn đồi- Nó như luồng sinh khí thổi bùng khát vọng, giúp người dân nơi đây vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no trên chính mảnh đất quê hương…/.

 

Đoàn Bình – Kim Ngân- Minh Vũ.


Lượt xem: 105

Trả lời