Những công trình kỷ lục ghi dấu ấn bản lĩnh Việt Nam

Cập nhật 12/1/2018, 09:01:00

   Với du khách bốn phương, “nóc nhà Đông Dương Fansipan” chính là một biểu tượng chinh phục. Đỉnh cao 3.143m là ước mơ của tất cả những người yêu thiên nhiên Tây Bắc. Nhưng ước mơ ấy với người thường đã là khó, với người yếu thế lại càng bất khả thi. Bởi vậy, … Continue reading “Những công trình kỷ lục ghi dấu ấn bản lĩnh Việt Nam”

  

Với du khách bốn phương, “nóc nhà Đông Dương Fansipan” chính là một biểu tượng chinh phục. Đỉnh cao 3.143m là ước mơ của tất cả những người yêu thiên nhiên Tây Bắc. Nhưng ước mơ ấy với người thường đã là khó, với người yếu thế lại càng bất khả thi. Bởi vậy, hệ thống cáp treo Fansipan Sa Pa được ra đời đã hiện thực hóa tất cả những khát vọng đẹp đẽ và chính đáng.

Năm 2014, lão công nhân Trần Tịnh người từng thực hiện dự án cáp treo Bà Nà (Tập đoàn Sun Group) xung phong tham gia dự án cáp treo Fansipan Sa Pa. Khi ấy ông 56 tuổi, “vốn liếng” là 5 công trình cáp treo nổi tiếng khắp Việt Nam, trong đó có hệ thống cáp treo sở hữu tới 4 kỷ lục Guinness Sun World Ba Na Hills.

Ông Trần Tịnh

Ở cái tuổi người ta “về vườn” vui vầy với con cháu, ông Tịnh lại say sưa chinh phục “môn thể thao hạng nặng” – kéo cáp. Những ngày đầu mở lối lên Fansipan, ông đóng vai trò hoa tiêu, giục giã cả đoàn dậy thật sớm, leo núi từ lúc 4-5h sáng, leo liên tục, nghỉ ít để 3h chiều tới nơi rồi lại bắt đầu ngay vào núi công việc ngổn ngang trước mắt.

Chứng kiến sức dẻo dai của lão công nhân sắp lục tuần, có anh kỹ sư nước ngoài của đối tác triển khai Doppelmayr (Áo) từng cảm thán: “Chưa thấy người nào ở tuổi ấy mà khỏe và bền sức như ông Tịnh”. Cũng vì tự ái trước sức bền của “lão chiến binh”, không ít thành viên sức dài vai rộng trong đoàn ban đầu muốn bỏ cuộc nhưng cuối cùng vẫn cố tới đích cho bằng được.

Mở xong lối leo bộ là kéo được đường cáp công vụ, góp phần vận chuyển người và nguyên vật liệu lên tới đỉnh để thi công tuyến cáp chính và quần thể công trình mới chỉ là giai đoạn khai lối, mở đường. Lớp công nhân trẻ trụ lại trên đỉnh vẫn thấy lão hoa tiêu dậy sớm thức khuya tay năm tay mười mỗi ngày. Khi họ mệt, có “bố Tịnh” hỗ trợ, lúc nản chí, lại thấy nhìn ông mà học, nghe ông động viên mà cố gắng. Cứ thế, những người Sun Group đã kéo cáp vượt vực thẳm non cao, nối thành công đất với trời Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Leo rừng thi công cáp treo

“Mỗi người được tự do lựa chọn con đường mình sẽ đi. Có người lựa đường dễ để sống an nhàn, có người lại chủ động chọn đường khó để vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn. Tôi thì thấy con đường mình chọn không phải khó hay dễ, mà đó thực sự là cơ hội vô cùng lớn để được góp sức làm nên những công trình vĩ đại trên quê hương – những công trình khiến bạn bè thế giới phải nể phục, phải nhìn Việt Nam ta với con mắt khác. Chỉ cần thế thôi, tôi đã thấy trong lòng vui sướng, tự hào lắm, và sức khỏe lại tràn trề”, ông Tịnh chia sẻ.

Thi công cáp treo trong điều kiện thời tiết băng tuyết

“Ý chí của một lão chiến binh như liều thuốc tăng lực kỳ diệu cho cả đội quân trên công trường Fansipan. Để tạo lối đi từ ga đến cáp treo ở độ cao 2.800 mét lên tới đỉnh 3.143m, bằng chân trần, bằng tay nắm, hàng nghìn con người đã kề vai sát cánh vừa vần, vừa khuân từng phiến đá nguyên khối để lát “lối lên trời”.

Vận chuyển vật liệu bằng sức người

Mồ hôi đã đổ, và thậm chí, máu đã chảy khi các công nhân, kỹ sư Sun Group phải sống và làm việc liên tục trong nhiều tháng trời giữa thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng cháy da, mùa đông rét cắt thịt của Fansipan. Nhưng khó khăn không thể làm nhụt tinh thần thép của những người đã mở lối cáp lên Fansipan từ những ngày đầu như lão công nhân Trần Tịnh, “anh lính trẻ” gan dạ Trần Công Mỹ, kỹ sư trắc đạc Trịnh Văn Hà, Võ Hoài Quốc và hàng nghìn kỹ sư, kiến trúc sư, công nhân Sun Group.

Vận chuyển vật liệu bằng sức người

Kéo xong tuyến cáp là vật liệu sẽ lên được dễ dàng hơn, rồi thêm những công trình kỳ vĩ như ga đi và cả quần thể ga đến, tất cả dần hiển hiện trên đỉnh cao hơn 3.000 mét sau đúng 2 năm 4 tháng.

Thi công cáp treo Fansipan

Thi công cáp treo Fansipan

Đặc biệt, hạng mục mái vòm membrane như một vầng mây trắng khổng lồ, tinh khôi neo ngay tại ga đến không chỉ là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp khiến du khách bốn phương trầm trồ, mà đánh dấu một kỷ lục về trí lực và sức sáng tạo của các chuyên gia Sun Group – Việt Nam trước nhiều đối tác danh tiếng quốc tế.

Ông Phạm Đức Hùng- Phó TGĐ Sun Group(áo đỏ)tại công trường thi công tấm lợp membrane

Tại Fansipan Sa Pa, sức gió nhẹ nhất trong ngày cũng là 10m/s, trong khi điều kiện lắp dựng membrane là sức gió không được vượt quá 3m/s. Điều kiện khắc nghiệt đã khiến công trình “mái vòm” trở nên bất khả thi theo đánh giá của các chuyên gia hàng đầu đến từ Malaysia, Singapore: “Chúng tôi không làm được. Nếu các bạn hoàn thiện được hệ thống mái vòm như thế này thì tài nghệ của các bạn đứng đầu thế giới”. Vậy mà, bằng quyết tâm và kinh nghiệm thực tế, các kỹ sư và công nhân của Sun Group đã làm được, nhờ hệ thống dây neo, điểm tựa và vận dụng kỹ thuật thay đổi kết cấu liên kết tấm membrane với khung thép.

Ngày 2/2/2016, tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới đạt hai kỷ lục Guinness đã chính thức khai trương.

Quan sát cáp treo Fansipan ngày khai trương

Tuyến cáp treo lướt trên vạt rừng đẹp nhất của Hoàng Liên Sơn. Ở nơi ấy, những gốc đỗ quyên trăm tuổi thắp lửa giữa trời, những dáng vân sam ngạo nghễ vượt khỏi ngàn mây khiến bao người mê mẩn. Giờ khắc bước chân lên cabin tuyến cáp chắc chắn là kỷ niệm huy hoàng trong cuộc đời lão công nhân Trần Tịnh.

Clip: Hành trình kéo cáp treo chinh phục đỉnh Fansipan, Sapa

Ngắm cáp treo lao đi, xuyên vào trong mây, anh Phạm Đức Hùng- Phó TGĐ Sun Group- một trong những người đầu tiên tham gia đoàn quân kiến tạo nên cáp treo xúc động: “Thời khắc bước chân vào một trong những cabin đầu tiên, tôi vô cùng xúc động và tự hào vì niềm tin của người Sun Group được đền đáp. Nghĩ lại thời điểm ban đầu khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất này, chúng tôi chỉ mang theo một thứ – đó là niềm tin và ý chí. Cứ đi qua mỗi trụ của cáp treo, tôi lại hồi tưởng lại hình ảnh các CBNV lặng lẽ làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để đi đến một cái đích chung là ngày hôm nay. Mồ hôi, công sức đã đổ nhiều nhưng thật xứng đáng để cống hiến cho xã hội, cho Sun Group, cho sự kiêu hãnh của chính bản thân mình.”

Anh cũng là người đã xăm cả hình đỉnh Fansipan và dấu mốc 3.143m trên cánh tay mình để ghi nhớ thêm một kỷ lục của Sun Group, của Việt Nam và của chính bản thân mình cùng các đồng đội – những người đã sống trên đỉnh Fansipan lâu nhất, băng rừng Hoàng Liên để lên nóc nhà Đông Dương nhiều lần nhất và xây dựng một trong những công trình cáp treo vĩ đại nhất thế giới.

Cáp treo Fansipan-Legend

Cáp treo Fansipan Sa Pa, khu du lịch Sun World Fansipan Legend đi vào hoạt động, đúng như kỳ vọng, đã trở thành biểu tượng mới của du lịch Lào Cai.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai, năm 2017 lượng khách du lịch đến địa phương tăng đột biến, đạt trên 3 triệu 500 lượt khách, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu du lịch năm 2017 đạt gần 9.500 tỷ đồng. Sự thành công này không thể không kể tới sự đóng góp của khu du lịch Sun World Fansipan Legend.

Nếu những công trình cáp treo ở Bà Nà hay Fansipan được ví như trồng cây đậu thần mở lối lên trời cho du khách muôn phương, thì về đất rồng Hạ Long, việc lọc sạch nước biển Bãi Cháy sau hơn hai thập kỷ ô nhiễm cũng khiến nhiều người liên tưởng tới những phép màu kỳ diệu. Chuyện tưởng chỉ có trong mơ lại thành sự thực.

Năm 2014, khi Sun Group về với Quảng Ninh, nhiệm vụ đầu tiên Tập đoàn nhận làm trước chính quyền và nhân dân chính là lọc biển Bãi Cháy, trả lại đúng tên cho thành phố biển Hạ Long. Khi ấy, Bãi Cháy ngập rác, hàng nghìn khối nước thải vẫn tiếp tục đổ thẳng ra biển như hơn 20 năm qua vẫn thế.

Bãi Cháy ô nhiễm trước đây

Ngày 10/07/2014, dự án bắt đầu. Việc đầu tiên là thiết kế hệ thống thu gom toàn bộ nước thải bằng cách xây dựng các hố ga, các tuyến cống tự chảy, giếng tách lưu lượng, cải tạo các trạm bơm nước thải để đưa toàn bộ nước thải về Trạm xử lý nước thải Bãi Cháy.

Công nhân Sun Group dọn sạch bãi tắm cộng đồng Hạ Long

Vét, múc mãi rồi cũng hết bùn. Công đoạn tiếp theo là đổ đất lên, cho xe lu lèn chặt từng lớp từng lớp đất, rồi lại trải một lớp cát hạt thô lên, lại lu lèn chặt lần nữa, tạo thành một lớp nền dày tới 2 mét. Vừa làm, vừa tách, chặn, để nước thải không chảy vào vị trí thi công. Khó nhất vẫn là việc lắp cửa xả bởi khu vực này chỉ có thể thi công khi thuỷ triều xuống. Chưa kể nước biển len qua các lớp đá khiến việc hút nước vô cùng khó khăn, liên tục phải thay đổi biện pháp thi công. Khó khăn, mệt mỏi, cảm giác muốn dừng lại.

Sau cuộc chiến gom nước thải là thách thức biến bùn lầy thành cát trắng. Kế hoạch đưa ra là rải một lớp vải địa trên bề mặt bùn đáy rồi đổ cát tinh mang từ bãi tắm Minh Châu (Quan Lạn) lên. Nói thì đơn giản, nhưng thực tế không hề dễ dàng chút nào do lớp bùn dày, lớp trên loãng nên cứ xử lý xong bùn trồi chỗ này, chỗ khác lại trồi lên. Từng khối cát tinh được đổ xuống. Để san lấp 100m chiều dài bãi biển, cần tới gần 400.000m3 cát hạt thô và 50.000m3 cát trắng bãi tắm. 1000 công nhân trên công trường Bãi Cháy lúc đó ví như 1000 con dã tràng, mất công xe cát ròng rã nhiều tháng trời.

Rồi bãi tắm cũng lên hình hài, cát trắng, nước sạch trong, người dân thành phố biển lặn ngụp trong nước mát.

Bãi tắm Hạ Long ngày khai trương

Bãi Cháy hè 2017 thu hút tới hàng chục ngàn cư dân và du khách. Hạ Long – thành phố biển hơn 20 năm không có bãi tắm giờ đã thật sự tìm lại được Bãi Cháy của mình, sạch đẹp hơn xưa. Nhìn một dải biển nước xanh trong xanh lọc, cát trắng mịn tinh khôi, ngắm những nụ cười của người Hạ Long, của du khách, những người Sun Group từng quên mình lọc biển, xe cát, đắp bờ dường như quên bẫng những tháng ngày vất vả đã qua.

Hết kéo cáp chinh phục các đỉnh cao, lọc biển để dân được tắm mát, “người Sun Group” lại ấp ủ hoài bão vươn xa tới đảo ngọc Phú Quốc. Ở địa bàn mới được khai mở về phía Nam đảo, đầu năm 2018 tới, tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới Hòn Thơm sẽ chính thức vận hành. Đây sẽ là một kỷ lục mới, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam trong hành trình đem thương hiệu du lịch nước nhà vươn khơi.

Giữa đại dương mênh mông tưởng hiền hòa nhưng cũng có lúc nổi sóng gầm gió thét, những công nhân Sun Group vẫn kiên trì bám đảo, dựng lên những cột trụ khổng lồ để đưa tuyến cáp treo dài 8km kết nối những hòn đảo đẹp như thiên đường tại Nam Phú Quốc. Từ thị trấn An Thới, tuyến cáp sẽ đi qua những Hòn Dừa, Hòn Rỏi, Hòn Thơm, tầm nhìn du khách sẽ vươn tới cả những hòn Dăm Ngang, Mây Rút, Móng Tay đẹp hơn nhiều Maldives, Phuket, Sentosa… nổi tiếng thế giới.

Sự vĩ đại của công trình tỷ lệ thuận với những khó khăn mà chủ đầu tư và các đối tác nhà thầu triển khai phải vượt qua trong quá trình xây dựng. Đã có những ngày mưa bão, chuyên gia cáp treo của Doppelmayr không thể lên tàu ra đảo, nhưng những kỹ sư và công nhân Sun Group vẫn bám trụ lại công trường. Mì gói thay cơm, chắt chiu từng giọt nước uống, không cả điện, sóng điện thoại để liên lạc trong nhiều ngày trời, họ chỉ biết động viên nhau bằng những câu chuyện không đầu không cuối về gia đình, công việc, và bằng cả những lo lắng cho công trình đang dang dở.

Trong các điểm trụ, trụ T4 (Hòn Rỏi) là điểm khó khăn nhất. T4 nằm sát bờ, lại ở phía sóng đánh, những ngày biển động đánh bay luôn cầu cảng. Cano không ghé được phía chân trụ mà phải vòng qua bờ bên kia. Trần Minh Đức – 26 tuổi – bám trụ nơi hòn Rỏi, thì hét vào điện thoại khi được hỏi thăm: “Em đang tính sẽ bám trụ hơn tháng, khi nào khắc phục xong hết thiệt hại do bão thì mới về”. Rồi cả Ngô Hoàng Lâm – 30 tuổi – vẫn kiên định trong những ngày gió bão dù con nhỏ đang sốt mấy ngày chỉ có một mình vợ chăm sóc.

Ở Phú Quốc, anh em hầu hết đều xa nhà. Dự án thì lúc nào cùng bận rộn, hiếm có dịp về với gia đình. Công việc ngập đầu, đa số 9-10 giờ đêm mới xong rồi lọ mọ về phòng lưu trú. Chỉ kịp “gặp” vợ, con qua màn hình điện thoại ngắn ngủi mỗi tối. Nhìn thấy ở đâu cũng là những sự hy sinh, hy sinh thời gian cho bản thân, hy sinh những thú vui, hy sinh gia đình để tập trung sức lực cho Dự án. Bởi họ có chung một lý tưởng, giống như Lê Hoài Phong- người đàn ông hơn 30 tuổi hiện đang chỉ huy một dự án ngàn tỷ thuộc Tổ hợp các dự án của Sun Group ở Phú Quốc: “Cuộc sống không gì tuyệt vời hơn được đặt niềm tin, được cho cơ hội cống hiến, và được làm việc theo một lý tưởng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, một khát khao vượt lên trên những mưu cầu cuộc sống bình thường.”

Giờ thì khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên trên đảo Ngọc đã ghi danh Phú Quốc lên bản đồ nghỉ dưỡng cao cấp khu vực, bằng giải thưởng danh giá: “Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất châu Á”. Giờ thì cáp treo đang chờ từng ngày để chính thức được vận hành, để du khách và bạn bè quốc tế một lần nữa được chứng kiến thêm một kỷ lục của du lịch Việt Nam – điểm phải đến trong năm 2018. Những con người đã vượt qua sóng gió để viết lên niềm tự hào cho du lịch Phú Quốc lại sẵn sàng tâm thế cho những dự án khó sắp tới, ở những vùng quê nghèo đang chờ sự đổi thay.

Ý chí và bản lĩnh phi thường đã giúp người Việt kéo cáp treo nối giữa đất và trời, để du khách được ngắm nhìn tổ quốc non sông từ những đỉnh cao nhất. Tình yêu thiên nhiên, yêu điểm đến trở thành sức mạnh nuôi dưỡng ý chí bền bỉ giúp người Sun Group lọc biển, xe cát tạo nên một bãi biển Bãi Cháy đẹp như mơ. Khát vọng vươn xa đã làm nên công trình cáp treo vượt biển Nam Phú Quốc… Những công trình kỷ lục không chỉ góp phần đưa du lịch nước nhà “vươn khơi”, mà đang từng ngày lan tỏa những câu chuyện khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới./.

Theo VOV


Lượt xem: 54

Trả lời