Nghiên cứu mới tiết lộ lý do dịch Covid-19 lây lan nhanh ở Trung Quốc

Cập nhật 18/3/2020, 14:03:45

Nghiên cứu mới cho thấy các ca mắc Covid-19 không được thống kế hoặc chưa có triệu chứng là 1 phần lý do khiến dịch Covid-19 lan nhanh ở Trung Quốc.

Một nghiên cứu chung từ các chuyên gia Trung Quốc, Mỹ, Anh và Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy các trường hợp mắc Covid-19 không được thống kế chính thức, chẳng hạn như những người không có các triệu chứng nghiêm trọng, có thể là một trong những nguyên nhân lớn khiến dịch Covid-19 lây lan khắp Trung Quốc hồi tháng 1/2020.

nghien cuu moi tiet lo ly do dich covid-19 lay lan nhanh o trung quoc hinh 1

Các bệnh nhân hồi phục đứng xếp hàng xét nghiệm lại tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 14/3. Ảnh: AFP

Nghiên cứu được công bố ngày 16/3 trên tạp chí Science của Hiệp hội vì Sự tiến bộ khoa học của Mỹ này ước tính, 86% các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục không được thống kê trong 2 tuần trước khi tâm dịch Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1.

Các ca bệnh “viêm phổi lạ” không được thống kê này chính là nguồn lây nhiễm cho khoảng 79% các trường hợp mắc Covid-19 đã được thống kê.

“Những ca nhiễm bệnh không được thống kê này thường ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng nên họ không nhận ra là mình đã mắc bệnh. Ngoài ra, dựa vào mức độ lây nhiễm và số người mà họ tiếp xúc, những ca bệnh này có thể truyền bệnh cho một lượng lớn người khác so với các trường hợp đã có triệu chứng rõ ràng”, các chuyên gia tại Đại học Columbia, Đại học Hong Kong, Cao đẳng Hoàng gia London, Đại học Thanh Hoa và Đại học California nhận định.

“Tỷ lệ cao các trường hợp nhiễm bệnh không được thống kê này, với nhiều người trong số đó không có các triệu chứng nghiêm trọng, dường như đã tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh khắp Trung Quốc”, bài báo khoa học trên cho biết.

Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã trở thành một đại dịch toàn cầu với hơn 198.000 người nhiễm bệnh và gần 8.000 trường hợp tử vong.

Trong khi các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu về virus corona chủng mới và cách thức lây truyền của nó thì chính phủ các nước thực hiện những biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có lệnh cấm đi lại và phong tỏa toàn bộ các thành phố, hoặc thậm chí cả quốc gia.

Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science trên của các nhà khoa học cũng so sánh số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc trong 2 tuần trước và sau khi Vũ Hán bị phong tỏa. Họ đã phát hiện ra rằng tỷ lệ lây nhiễm ở các ca bệnh không được thống kê “đã giảm đáng kể” sau khi các quy định hạn chế đi lại được thực hiện.

Li Ruiyun, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Cao đẳng Hoàng gia London và là chủ nhiệm bài báo khoa học trên cho biết, các biện pháp kiểm soát như hạn chế đi lại, xét nghiệm và phát hiện bệnh nhanh, cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ bản thân là cần thiết để xác định và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh không được báo cáo, đồng thời để giảm sự lây lan của virus.

 “Những ca bệnh có triệu chứng sẽ không đi lại giữa các thành phố, trong khi những trường hợp chưa xuất hiện triệu chứng vẫn sinh hoạt bình thường, đi lại mọi nơi và cho đến khi các triệu chứng xuất hiện, họ mới nhận thức được tình trạng của mình và thay đổi thói quen đi lại”.

“Vì thế, họ vẫn có thể lây lan virus trong quá trình đi lại. Các quy định hạn chế đi lại có vai trò lớn trong việc hạn chế các trường hợp này đi lại và ngăn chặn sự lây lan”, chuyên gia này cho biết.

Sự lây nhiễm từ các trường hợp không được thống kê có thể giảm bớt qua xét nghiệm và sự nâng cao nhận thức từ cộng đồng, chẳng hạn như thói quen đeo khẩu trang, chuyên gia Li nhận định.

Bà cũng cho rằng: “Thành quả của tất cả các biện pháp này tại Trung Quốc là một hình mẫu hiệu quả cho các quốc gia khác. Mặc dù tỷ lệ và mức độ lây nhiễm của các trường hợp không được thống kê có thể khác ở từng quốc gia nhưng việc can thiệp bằng các áp dụng các biện pháp trên nên được ưu tiên”.

Dù vậy, các chuyên gia y tế có những quan điểm khác nhau về tính hiệu quả của các quy định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Meru Sheel – một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Australia cho biết hầu như có rất ít minh chứng cho thấy việc hạn chế đi lại sẽ hiệu quả trong quá trình đối phó với dịch bệnh.

“Từ những điều chúng tôi biết, việc hạn chế đi lại không chỉ không trì hoãn được dịch bệnh mà các biện pháp như vậy hoàn toàn không thể ngăn chặn được dịch bệnh. Nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác. Đây là một dịch bệnh mới và chúng tôi vẫn đang nghiêm cứu các biện pháp để ngăn chặn nó. Do đó, chúng ta cần chờ đợi và xem xét tình hình”./.

Theo VOV


Lượt xem: 57

Trả lời