Ngành Công thương Gia Lai: Hành trình 70 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật 14/5/2021, 07:05:53

Ngày 14/5/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21 thành lập Bộ Công Thương, đánh dấu sự ra đời của một ngành có vai trò trọng yếu trong điều hành, quản lý và phát triển nền kinh tế đất nước. Cùng với chặng đường 70 năm hình thành và phát triển chung, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Công thương Gia Lai đã và đang đảm đương tốt sứ mệnh được giao phó, cùng chung sức xây dựng ngành ngày một vững mạnh, đóng góp vào công cuộc xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ nhất (12/1959), Ban Kinh tài, tiền thân của ngành Công thương được thành lập chuyên lo kinh tế – tài chính và chỉ đạo công tác sản xuất, chăm lo đời sống cho bộ đội, dân quân du kích và Nhân dân. Từ đây mở ra một chặng đường xây dựng, phát triển đầy khó khăn gian khổ nhưng cũng đầy tự hào của ngành với những mốc son đáng nhớ.

70 năm, ngành Công thương Gia Lai đã trải qua nhiều lần tách nhập, thay đổi bộ máy, tên gọi nhưng vẫn luôn có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Cũng như xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Ngô Thành – Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Nguyên Trưởng Ban Kinh tài, Trưởng Ban Tài Mậu (1965 – 1970) cho biết: “Trong thời gian chiến tranh, có trên 30 đồng chí hi sinh, đến khi chiến thắng rồi thì cũng có trên 30 đồng chí trong Ban kinh tài hi sinh. Nói như vậy để thấy trong việc làm kinh tài bây giờ, không chỉ làm kinh tế mà cả phải làm chính trị, cả chiến đấu hi sinh rất khó khăn”.

Thành quả xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, thương mại tỉnh Gia Lai đạt được trong 70 năm qua đã góp phần rất lớn đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển, xóa bỏ lạc hậu, trì trệ, vững bước đi lên. Nhất là 30 năm trở lại đây, dưới sự quản lý, điều hành, và định hướng, thực thi chính sách của ngành Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có những bước phát triển đáng kể, giá trị sản xuất kinh doanh tăng cao theo từng giai đoạn.

Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt mức trên 22 nghìn 500 tỷ đồng, gấp 1,48 lần so với năm 2015. Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, bước đầu phát huy tác dụng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 75.000 tỷ đồng, gấp 1,97 lần so với năm 2015, tăng bình quân 15,6%.

Cùng với đó, Ngành Công thương Gia Lai cũng đang đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là tiếp cận và thực thi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước, các khu vực trên thế giới như CPTPP, EVFTA…Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng của tỉnh, nhất là các mặt hàng nông sản chế biến của Gia Lai đến được với những thị trường lớn, uy tín trên thế giới.

Ông Thái Như Hiệp , Chủ tịch Hội đồng thành viên – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Doanh nghiệp Vĩnh Hiệp có thể trở thành một doanh nghiệp tạo được thương hiệu trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê như hôm nay có vai trò rất lớn trong việc định hướng, tạo cơ chế, chính sách của tỉnh Gia Lai cũng như các ban ngành. Đối với ngành Công thương, đó là sự hỗ trợ chúng tôi trong việc tiếp cận các Hiệp định thương mại như và những cải cách trong thủ tục hành chính để doanh nghiệp thuận lợi nhất trong xuất khẩu hàng hóa, tìm kiếm thị trường”.

Sở Công Thương Gia Lai hiện có 51 cán bộ, công chức đều có trình độ đại học và trên đại học, thuộc khối Văn phòng sở và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Các tổ chức Đảng, Đoàn thể được quan tâm xây dựng vững mạnh về mọi mặt. Với một lực lượng nhân lực lớn mạnh, chất lượng cao và không ngừng được trau dồi, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Công thương Gia Lai sẵn sàng đảm đương mọi nhiệm vụ được giao, góp sức mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.

 Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết:  “Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầy thử thách với những biến động của tình hình trong nước và quốc tế. Nhất là bối cảnh đại dịch Covid như hiện nay. Chúng tôi sẽ tập trung vào thực hiện vào một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh một số ngành nghề công nghiệp nổi bật và cơ bản. Chú trọng xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Tận dụng các hiệp định như EVFTA để xuất khẩu nông sản. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện kinh tế số”.

70 năm là một hành trình  đầy tự hào với mỗi cán bộ công chức của ngành. Nhìn về lịch sử vẻ vang đó, cán bộ công chức ngành Công thương hôm nay quyết tâm viết tiếp những trang vàng lịch sử, để ngành Công thương luôn xứng đáng là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, có những đóng góp quan trọng và tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Ngọc Hà, Viễn Khánh


Lượt xem: 28

Trả lời