Nét đẹp du lịch làng

Cập nhật 01/2/2018, 15:02:54

Tết đến xuân về cũng là dịp để người dân tìm đến những điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài tỉnh để vui chơi, thư giãn. Tại Gia Lai, năm 2017 đã đón trên 500.000 lượt du khách, rất nhiều trong số đó đã tìm đến các điểm du lịch cộng đồng để trải nghiệm văn hóa, khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang dã nơi buôn làng Tây Nguyên. Đến đây, điểm ấn tượng với du khách không chỉ là vẻ đẹp mà còn là cách mà những người nông dân Jrai, Bahnar làm du lịch. Mặc dù chưa có tính chuyên nghiệp nhưng chính kiểu làm du lịch mộc mạc, bình dị của nông dân đã tạo ra sức hút rất riêng cho khách du lịch ở khắp mọi nơi!

Sau những giây phút bối rối đầu tiên, ông Rchăm Uenh đã tự tin giới thiệu với khách tham quan về ngôi nhà sàn truyền thống của mình, và những nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào Jrai như: Việc chọn đất dựng nhà hay đơn giản chỉ là một nét văn hóa trữ củi dưới chân nhà sàn.

Để dần quen với công việc hoàn toàn mới mẻ này ông đã cùng bà con tham gia nhiều cuộc họp làng bàn về cách làm du lịch. Không gian của căn nhà đã được ông chăm chút rất nhiều, ông mong muốn được nhiều du khách biết đến ngôi làng yên bình, giàu bản sắc văn hóa giữ núi rừng Tây Nguyên.

Ông Rchăm Uenh – Làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah Gia Lai cho biết: “Khách xa đến thăm, làm du lịch quan trọng nhất là bản sắc văn hóa, trước nhà sàn nay vẫn nhà sàn, phải giữ được dệt vải, ăn uống thì chỉ cho họ biết truyền thống nước đựng trong quả bầu, ăn cơm lam để khách ăn, chơi vui vẻ”.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch về với các buôn làng ngày càng nhiều. Điều này có được khi tỉnh Gia Lai chú trọng đến việc phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ nông dân có điều kiện làm du lịch. Không dừng lại ở sự hỗ trợ của chính quyền, bà con nông dân Jrai, Bơnah đã xây dựng không gian cảnh quan cho buôn làng và trong vườn nhà theo cách riêng.

Không một gia đình nào làm nhà xây mà đều làm nhà sàn truyền thống. Từ đầu ngõ đến con đường làng đều được trồng cây xanh và dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ; mỗi nhà phải lưu giữ nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm…Mọi yêu cầu của du khách khi muốn được tìm hiểu, trải nghiệm thực tế sẽ được hướng dẫn, khách có thể mua các sản phẩm mình yêu thích, những hướng dẫn viên này không ai khác chính là người dân của làng.

Chị Rchăm H’Xuyến, làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah Gia Lai nói: “Bản thân thấy rất là vui khi mà làng được chọn làm điểm du lịch, khách đến rất đông, nay thì dân làng cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo cảnh quan môi trường đổi mới”.

Ông Rchâm Bet, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah Gia Lai cho biết: “Cũng vận động bà con hiểu rồi mới làm, hiện nay bà con đã đồng thuận và cố gắng thực hiện theo sự hướng dẫn và đang hòa nhập rất tốt, từ việc xây dựng cảnh quan đến việc tiếp đón, giới thiệu cho du khách khi có cơ hội”.

Những chàng trai, cô gái trong đội cồng chiêng, múa xoang càng bận rộn hơn khi có nhiều du khách về làng. Những nhịp chiêng, vòng xoang tươi vui, rộn rã của mùa xuân mới luôn được lựa chọn trình diễn gửi đến du khách phương xa. Vừa được tìm hiểu, thưởng thức vẻ đẹp buôn làng, vừa trực tiếp trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc nhất của người Tây Nguyên luôn tạo được sức hút hấp dẫn cho du khách.

Bà Đặng Thị Ngọc Phượng, du khách Hà Nội nói: Sau khi được trải nghiệm văn hóa cồng chiêng ở đây tôi thấy rất là vui vẻ, cuộc sống của bà con thật là vui tươi, như thể bao nhiêu phiền muộn là qua đi hết. Tôi hy vọng những đoàn khách sẽ được trải nghiệm, học được những bước nhảy cơ bản để cùng múa xoang, cùng gắn kết với nhau hơn.

Nhiều buôn làng ở Gia Lai giờ không chỉ có những nông dân sớm chiều với nương rẫy. Buôn làng bây giờ còn là những điểm đến du lịch trải nghiệm hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên. Những bàn tay quen với ruộng đồng ngày nào, đã làm ra những sản phẩm du lịch độc đáo đưa đến du khách, tạo nét đẹp riêng cho buôn làng mình./.

 Kim Ngân, Viễn Khánh


Lượt xem: 39

Trả lời