Mùa cam ngọt trên đất Gia Lai

Cập nhật 02/2/2018, 09:02:49

Hòa cùng không khí xuân rộn ràng của đất trời, người dân các địa phương trong tỉnh bước vào năm mới Mậu Tuất 2018 với niềm vui no ấm, sung túc khi có được những mùa sản xuất bội thu. Bên cạnh những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, thời gian qua, nhờ năng động tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã thành công trong việc chuyển đổi sang những cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến các loại cây ăn trái có múi và đặc biệt là cây cam. Hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, cây cam đã mang đến mùa “quả ngọt” cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 2 năm cần cù, chịu khó cộng trong sự phập phồng, lo lắng với 2.700 gốc cam được trồng trên khoảng 1,3 hecta đất trồng hồ tiêu trước đây của gia đình, anh Phan Minh Tân ở thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh đã có thể mỉm cười với những kết quả bước đầu. Vụ thu bói vừa qua, anh Tân thu được 12 tấn cam và bán được với mức giá từ 18 đến 22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lời trên 200 triệu đồng. Là người đầu tiên đưa cây cam sành ở miền Tây về Chư Pưh trồng nên anh Tân tốn khá nhiều công sức để học hỏi kỹ thuật chăm sóc.

Anh Phan Minh Tân, Thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết: Ở đây theo tôi thấy cây có múi rất hợp với khí hậu ở đây, quả to, đều đẹp và chất lượng không kém ở nơi khác. Kỹ thuật cũng đơn giản, bình thường, mình chịu khó học hỏi thêm là làm được. Trồng tiêu cũng được nhưng rủi ro cao quá, vốn liếng nhiều hơn so với cây cam. Mức đầu tư thì cây tiêu gấp đôi gấp 3 cây cam số vốn ban đầu. Mới thu bói nhưng trên 1hecta tôi cũng thu được trên 200 triệu đồng.

Cũng mạnh dạn chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng cam, những năm gần đây, đời sống của gia đình ông Nguyễn Duy Đô, người đầu tiên đưa cây Cam Canh về trồng tại xã Kon Gang, huyện Đak Đoa ngày càng ổn định với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, vườn cam của ông Đô luôn cho năng suất và chất lượng không thua kém ở những nơi khác.

Ông Nguyễn Duy Đô – xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cũng cho biết:So với cà phê thì mức đầu tư như nhau nhưng hiệu quả kinh tế phải đạt cao hơn gấp 3-4 lần. 1ha khi cho vào kinh doanh, trung bình 30kg/1kg, đạt khoảng 30 tấn/ha. Trừ chi phí 1 năm thu nhập khoảng 400 triệu. Do trái cây không rõ nguồn gốc nên bà con mình rất sợ, nên khi trồng mô hình này áp dụng theo tiêu chuẩn Vietgap. Thu hái bán tại vườn luôn nên đầu ra rất triển vọng”.

Thực tế cho thấy, Gia Lai là địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp với các loại cây trồng có múi. Bên cạnh đó, với giá trị kinh tế khá cao và ổn định, nhu cầu  ở nội địa khá lớn nên việc phát triển cây có múi đang được nhiều địa phương quan tâm.

Ông Phạm Xuân Phúc – Chủ tịch UBND xã Kon Gang, huyện Đak Đoa cho biết: “Để phát triển mở rộng mô hình trồng cam, huyện đã xây dựng kế hoạch giao cho xã năm 2017 phải phát triển được 3ha. Đến nay xã vận động người dân chọn hộ, cung cấp phân bón. Nhờ kỹ thuật của ông Đô đã chuyển giao cho các hộ”.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cũng cho biết:Phòng NN&PTNT đang tham mưu UBND huyện xây dựng dự án khoa học công nghệ về trồng cây có múi từ nguồn vốn của Bộ KHCN sẽ triển khai trên địa bàn huyện Chư Pưh trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ sử dụng các nguồn đất phù hợp với loại cây trồng này để phát triển mô hình cây trồng mới phù hợp với địa bàn chúng tôi và có tiềm năng”.

Hiện nay, nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây cam nói riêng và cây ăn trái có múi nói chung. Có huyện chỉ vài hecta nhưng cũng có huyện diện tích vài chục hecta, thậm chí lên đến cả trăm hecta như Kbang, Kông Chro… Nếu được chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng có định hướng phát triển và quy hoạch cụ thể, cây cam cũng như các loại cây ăn quả có múi  sẽ là cây trồng mới mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân trên địa bàn tỉnh./.

Ngô Thanh – Hồng Uyên – Minh Trí – Đặng Trà


Lượt xem: 34

Trả lời