May cờ độc lập

Cập nhật 01/9/2013, 21:09:42

Lá cờ độc lập và 2/9 trong ký ức, cảm xúc của những người dân ở Hà Nội, những vùng quê và bên ngoài biên giới Tổ quốc.

Lá cờ độc lập và 2/9 trong ký ức, cảm xúc của những người dân ở Hà Nội, những vùng quê và bên ngoài biên giới Tổ quốc.

Đại úy Lương Thanh Sơn nay đã ở tuổi ngoài bát tuần vẫn nhớ ngày 2/9/1945 ở làng quê nơi ông sinh sống – xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Đó là một ngày quá đỗi đặc biệt, dù không người dân nào ở vùng quê nghèo năm ấy được nhìn, nghe thấy hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

độc lập, tự do, quốc khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh
 

Tin tức của những cán bộ cách mạng đã về đến vùng quê từ những ngày trước đó báo tin Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, có nghĩa lập quốc độc lập.

“Một không khí xúc động, phấn khởi tràn ngập vì chúng tôi hiểu từ đây nhân dân được tự do đi lại, lao động sản xuất, bởi không có gì quý hơn độc lập tự do” – ông Sơn kể.

Để đón ngày lễ đặc biệt đó, các cán bộ ở tỉnh, huyện đã mang về thôn, xã một chiếc lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Người dân trong vùng đã sắm những tấm vải về cắt để làm cờ.

“Màu cờ đỏ tượng trưng cho xương máu của đồng bào ta chống đế quốc, phát xít. Màu vàng thể hiện người da vàng sáng ngời linh hồn dân tộc, ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân ta. Nên nhà nào cũng tích cực làm lá cờ cho ngày độc lập” – ông kể.

Tới ngày 2/9, khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, ở vùng quê đó, nhân dân, các đội quân dân tự vệ chiến đấu, cùng đoàn thể… ai nấy tay đều cầm cờ hoa, đi khắp xóm làng rồi tập trung tại đình làng reo hò, trống giong cờ mở…

“Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cả rừng cờ phấp phới tung bay giữa xóm làng với sự vui mừng của tất cả người dân”.

Trong gia đình ông Sơn giờ vẫn luôn giữ một lá cờ đỏ sao vàng để treo vào những ngày lễ, tết đặc biệt.

Cụ bà Ngô Thị Chức (Hà Nội) thoáng thấy cháu giở tập sách đọc Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất chợt ùa về biết bao cảm xúc.

Bà kể, có lẽ, những người dân ở Hà Nội có nhiều ký ức đặc biệt nhất. Đó là ngày Quốc khánh độc lập đầu tiên tổ chức ở Quảng trường Ba Đình, lần đầu tiên người dân nghe thấy hai tiếng “độc lập”, “tự do” thiêng liêng.

Người Hà Nội đã “ôm chầm” lấy nhau khi nghe tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, dù trực tiếp hay gián tiếp.

“Dưới màu cờ Tổ quốc cùng với sự phấn khởi của mọi người dân, dù không được đứng trực tiếp ở quảng trường nhưng những hình ảnh về vị Chủ tịch hiện lên với giọng nói ấm áp mà tôi được nghe cứ thôi thúc tôi mong một lần được gặp Bác”.

Lá cờ – tiếp sức mạnh nơi xứ người

Thuộc thế hệ sinh sau chiến tranh, Đỗ Thị Thương, cử nhân văn học, chỉ được biết đến ngày Quốc khánh độc lập đầu tiên trong những trang sách lịch sử.

Nhưng cô vẫn nhắc tới những khoảnh khắc “chào cờ”, hát quốc ca trên những sân trường phổ thông.

“Những ngày còn đi học ở phổ thông, mỗi buổi chào cờ nhìn thấy cờ đỏ sao vàng cùng bài hát Quốc ca là lại cảm thấy xúc động, tự hào về dân tộc”.

độc lập, tự do, quốc khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh
 

Là giáo viên tiểu học, chị Trần Thị Vân hàng tuần vẫn luôn đồng hành cùng học sinh đón nghi lễ thiêng liêng nhất chào đón một tuần học mới.

“Cứ mỗi sáng thứ hai ở trường có tiết chào cờ. Khoảnh khắc hướng lên nhìn lá cờ tổ quốc mỗi lần luôn chứa đựng cảm xúc đặc biệt. Một cảm xúc dâng lên vì sự tự hào. Lá cờ biểu trưng cho sức mạnh đấu tranh bằng xương máu để có được ngày độc lập, tự do hôm nay” – chị Vân chia sẻ.

Ở ngoài biên giới Tổ quốc, khoảng cách lớn lao về không gian, địa lý mới khiến thấm thía cảm xúc khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc. Diệu Thúy, một sinh viên du học tại trường Wonkwang, Hàn Quốc chia sẻ chân thành rằng, lá cờ đã tiếp thêm cho cô sức mạnh nơi xứ người.

độc lập, tự do, quốc khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh
 

“Khi một người nào đó ở nước ngoài và bất chợt bắt gặp lá cờ Tổ quốc mình, ắt hẳn là sẽ rất ngạc nhiên. Tôi cũng đã tình cờ thấy được lá cờ Việt Nam ở Tòa thị chính thuộc thành phố Iksan. Dĩ nhiên là hình ảnh quê hương ngay lập tức hiện lên trong đầu tôi.” – Thúy chia sẻ.

Thúy kể: “Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tiếp thêm sức mạnh cho tôi khi một mình ở xứ người xa xôi ấy. Cũng ở đó, tôi đã học hỏi được nhiều thứ từ các bạn đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Những lúc cảm thấy mệt mỏi và nhớ nhà, hình ảnh lá cờ mà tôi nhìn thấy ở đây đã xua tan được những nỗi buồn. Đó cũng là cách để tôi lấy lại thăng bằng giữa bộn bề cuộc sống”.

Vietnamnet


Lượt xem: 67

Trả lời