Hội nghị Ngành Công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2019 tại Gia Lai

Cập nhật 16/8/2019, 17:08:03

Ngành Công thương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của BCH TW Đảng, của Chính phủ chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội; tập trung thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp; thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương theo kế hoạch đã được phê duyệt; triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại; tập trung nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao, những mặt hàng chủ lực của từng địa phương…. Đó là một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Bộ Công thương đặt ra đối với ngành Công thương các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong những tháng còn lại của năm 2019 tại Hội nghị ngành Công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ VI năm 2019 được Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào sáng 16/8 tại TP.Pleiku.
 Tham dự hội nghị về phía Bộ Công thương có Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng; Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung. Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Tiến Đông – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

  Hội nghị ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên là dịp để các địa phương trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, tạo sự liên kết, hỗ trợ và hợp tác để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đây cũng là dịp để các địa phương trao đổi trực tiếp, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến lãnh đạo Bộ Công thương và các Cục, Vụ trực thuộc Bộ để cùng chia sẻ, hỗ trợ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, khu vực miền Trung-Tây Nguyên là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp, thương mại gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại như: Công nghiệp lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản… Với nhiều giải pháp và chính sách cụ thể được triển khai đồng bộ, hiệu quả, năm 2018, đa số các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 10,2%. Đặc biệt, một số tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như Đăk Nông (+15%), Kon Tum (+14,4%). Riêng 7 tháng đầu năm nay, một số tỉnh/thành phố trong khu vực tiếp tục có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao và giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá với ước đạt 262.216 tỷ đồng (tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2018). Các hoạt động thương mại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng cao…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương trong khu vực vẫn còn 1 số tồn tại, khó khăn; nhất là về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Tại hội nghị đã tập trung thảo luận, trao đổi và làm rõ nhiều vấn đề; trong đó tập trung vào những nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế tồn tại làm cản trở sự phát triển của ngành Công thương; các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt và nhiệm vụ chiến lược của ngành; những kinh nghiệm, các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng các mô hình năng lượng tái tạo. Hội nghị cũng đề xuất Trung ương về những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của ngành…

 Ông Phạm Đăng Thành – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Tỉnh Ninh Thuận xây dựng kịch bản phát triển kinh tế dựa vào những trụ cột chính như là công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao và nông nghiệp công nghệ cao. Thì trong đó vai trò của năng lượng cũng rất là quan trọng và tỉnh chọn là khâu đột phá để mà phát triển công nghiệp của tỉnh. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề giải tỏa công suất. Công suất điện mặt trời, điện gió rất là lớn; tuy nhiện hệ thống truyền tải lưới điện của tỉnh cũng rất là nhỏ và khả năng truyền tải của nó không cao nên khó khăn trong khâu truyền tải công suất vào các nơi cần có phụ tải lớn để tiêu thụ thì về vấn đề này, tỉnh cũng đã làm việc nhiều lần kiến nghị với Tập đoàn Điện lực cũng như Bộ Công thương, rồi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho những cơ chế để mà tháo gỡ”.

Hội nghị đã đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu trong 5 tháng cuối năm 2019, đó là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 220.152 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 338.387 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 đạt 8,99 tỷ USD; và kim ngạch nhập khẩu đạt 2,26 tỷ USD.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị các địa phương và đặc biệt là Sở Công thương các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên cần tập trung quan tâm một số nội dung và nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo: “Chúng ta phải tập trung nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp mà chúng ta có tiềm năng, lợi thế gắn với biển như chế biến hải sản, thực phẩm, hóa chất hóa dầu, đóng và chế biến tàu biển, hay là các năng lượng tái tạo; từng bước phát triển các ngành có trình độ cao như cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị điện. Tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hình thành các trung tâm công nghiệp lớn ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; phát triển các KCN, cụm công nghiệp dọc các tuyến đường ngang nối liền với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh trong vùng Tây Nguyên; phát triển tiểu thủ công nghiệp theo hướng khuyến khích các ngành nghề truyền thống cũng như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, chế biến lượng thực. Thứ 2 về công tác quản lý Nhà nước, liên quan đến các Sở Công thương thì đề nghị các đồng chí tăng cường công tác tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố và phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đối với các nội dung liên quan như quy hoạch vùng. Tỉnh xây dựng quy hoạch ngành theo quy hoạch mới”.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị các địa phương và Sở Công thương các tỉnh/thành phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lí chiến lược của khu vực miền Trung-Tây Nguyên để góp phần đưa Việt Nam thành đầu mối logictis quan trọng của khu vực; phối hợp với các địa phương trong khu vực nghiên cứu, thống nhất địa điểm, vị trí phù hợp, đáp ứng tiêu chí quy hoạch để xây dựng các trung tâm logictis vùng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới. Đồng thời tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; xác định DN nào là DN nòng cốt, DN nào là DN có thể phát triển lớn mạnh để tập trung ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ cho DN đó phát triển.

Tại hội nghị này, Sở Công thương Gia Lai đã trao cờ luân phiên cho tỉnh Quảng Bình – đơn vị sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công thương các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ VII năm 2020./.

 Mỹ Tiến – Thanh Sáng


Lượt xem: 68

Trả lời