Học sinh dân tộc thiểu số với việc học trực tuyến

Cập nhật 20/9/2021, 07:09:30

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phải tổ chức dạy học trực tuyến nhằm giúp học sinh ôn tập, nắm kiến thức cơ bản và không bị chậm chương trình khi không thể tựu trường. Tuy nhiên, với tỷ lệ học sinh DTTS khá cao, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế nên hiệu quả học trực tuyến với đối tượng học sinh này là vấn đề cần được quan tâm.

Dù có đầy đủ thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến, nhưng em Rơh Lan Thanh, học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học – THCS Anh hùng Wừu, thành phố Pleiku vẫn rất vất vả trong việc tiếp thu những kiến thức vừa học được, mặc dù những năm trước đây em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến của trường. Em cho biết, vì đây là lần đầu tiên được tiếp cận với hình thức học trực tuyến, nên chưa thể làm quen với phương thức truyền đạt bài học mà cô giáo vừa giảng.

Em Rơh Lan Thanh, Lớp 5/1, Trường Tiểu học – THCS Anh hùng Wừu, thành phố Pleiku chia sẻ: “Do dịch Covid – 19 nên con ở nhà học bằng điện thoại. Con mong học ở trường để được gặp cô và bạn bè”.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Lan Anh, GVCN lớp 5/1, Trường TH – THCS Anh hùng Wừu, tp. Pleiku cho biết:  “Học sinh những buổi đầu thì còn lúng túng trong việc theo tác với máy tính, nhiều em không biết bật mic, bật camera, hoặc quên tắt Mic nên có những câu nói rất là thú vị lọt vào tiết học, và trong 1 tiết thì không thể đủ 100% học sinh được, nhiều em không có thiết bị để học nên giáo viên không thể tương tác trực tiếp với học sinh được như là học trực tiếp trên lớp”.

Một tín hiệu tích cực đối với nhiều em học sinh DTTS, là bên cạnh được trang bị các thiết bị học trực tuyến, dù chỉ là tối thiểu nhất, thì các bậc phụ huynh cũng luôn dành thời gian để cùng con tham gia vào bài học, đồng thời hỗ trợ các em ôn lại các kiến thức cơ bản nhất sau khi kết thúc mỗi buổi học trực tuyến.

Chị Siu Phát, Làng C, xã Gào, thành phố Pleiku nói:  “Con mình học lớp 2, do dịch bệnh nên phải ở nhà học Online. Khi con học ở nhà thì mình gác lại công việc qua một bên để kèm cháu học. Mong sao hết dịch để cháu đi học ở trường thì sẽ tiếp thu được nhiều hơn”.

Tuy nhiên, những học sinh DTTS có được may mắn như trong các trường hợp trên chỉ là số ít. Theo thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo Gia Lai, trong số gần 190 ngàn học sinh toàn tỉnh cần được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến trong thời gian này, thì gần 70% em trong số đó là học sinh người DTTS. Để hỗ trợ phần nào cho các em nắm được một số kiến thức cơ bản nhất trong bài học, phương thức đến tận nhà để giao bài tập, hướng dẫn các em cách thức ôn bài, tiếp cận bài học là cách mà nhiều giáo viên ở các trường học trên địa bàn tỉnh lựa chọn thực hiện.

Chị Ksor H’ Muênh, Tổ 5, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa cho biết: “Gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện mua điện thoại cho cháu học trực tuyến. Nay cũng có cô giáo ở trên trường xuống nhà tận tình dạy cho cháu cách học ,cách làm bài. Gia đình tôi rất là biết ơn cô giáo”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng hình thức giao bài tại nhà ngay từ đầu năm học, đặc biệt là đối với những học sinh DTTS mới bước vào lớp 1 và lớp 6 khiến thầy cô lúng túng về phương pháp, và nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng. Do đó, việc dạy học trực tuyến hay dạy học linh hoạt vẫn chỉ là phương án trong thời gian dịch bệnh chưa được kiểm soát. Khi các em đến trường học trở lại, việc đầu tiên các thầy cô giáo cần làm là tổ chức ôn tập toàn bộ các bài học đã qua cho học sinh./.

Nhóm PV, CTV


Lượt xem: 49

Trả lời