Hệ thống chùa chiền trong phát triển du lịch Gia Lai

Cập nhật 01/2/2018, 14:02:56

Du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến; và góp phần quan trọng để thu hút du khách đến với loại hình du lịch này đó là hệ thống các chùa chiền, tịnh xá. Tại Gia Lai, với gần 100 ngôi chùa được xây dựng đã đáp ứng cho nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của đông đảo tín đồ phật tử trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều ngôi chùa với kiến trúc xây dựng độc đáo đã trở thành những điểm tham quan du lịch cũng như mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thú vị về du lịch tâm linh cho du khách. 

Với lối kiến trúc độc đáo của Phật giáo đời Lý – Trần, chùa Minh Thành tọa lạc ở đường Nguyễn Viết Xuân, TP Pleiku được xem là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên. Được xây dựng vào năm 1970 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và đến năm 1997 thì bắt đầu quá trình trùng tu, xây dựng mới. Đến nay, chùa gồm các khu: Chánh điện, tàng kinh các (nơi lưu giữ 3 bộ tạng kinh điển), khu phương trượng (nơi tiếp khách của trụ trì), pháp đường (nơi giảng kinh thuyết pháp), tối thánh viện (nơi bảo tháp thờ xá lợi của đức Phật) và tuyển phật trường (đại giới đàn cho chư tăng tu học). Chánh điện của chùa với chiều cao tổng thể 16m, cửa cao 6m. Trước chánh điện có bức tượng Phật Di Đà bằng đá hoa cương cao 7m, nặng 40 tấn được đặt ngay giữa hồ Liên Trì với sen hồng quanh năm. Hai bên trái và phải chánh điện của chùa là 2 ngọn tháp chuông và tháp Tổ khai sơn. Đặc biệt, điểm nhấn của chùa đó là Bảo tháp Xá Lợi 9 tầng với chiều cao 70m thờ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và mỗi năm chỉ mở cửa duy nhất 01 lần vào đêm Rằm Phật đản (14/4) âm lịch. Không phải là công trình cổ bởi đã được tu sửa khá nhiều, và thậm chí là xây dựng mới nhiều khu, thế nhưng với kiến trúc độc đáo cùng vẻ đẹp uy nghiêm, hàng năm chùa Minh Thành đều đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Đại đức Thích Trung Không – Trị sự Chùa Minh Thành, Phó Ban Phật giáo quốc tế Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai cho biết: “Khi mà phật tử bước chân vào chùa thì cảm giác đầu tiên là người ta có thể tiếp xúc được với nét đẹp của thiền môn. Kiến lập nên ngôi chùa này cho trang nghiêm, thanh tịnh để có chốn cho chư tăng tu tập và hành trì; và khi kiến lập cảnh giới thanh tịnh, trang nghiêm như vậy thì khi tất cả phật tử, các vị khách du lịch mà về đây người ta thấy cảnh phật trang nghiêm như vậy người ta phát tâm tìm lại chính mình, tìm lại bản tâm thanh tịnh”.

Đa dạng về quy mô diện tích nhưng xét một cách tổng thể, hệ thống chùa chiền trên địa bàn tỉnh Gia Lai với gần 100 ngôi chùa, tịnh xá chính là biểu trưng cho 3 hệ phái của Phật giáo, đó là: Phật giáo cổ truyền (như chùa Minh Thành…), hệ phái Khất sĩ (với tịnh xá Ngọc Phúc, tịnh xá Ngọc Cổ…) và hệ phái Thống Nhất (với chùa Quan Âm, chùa Bửu Nghiêm, Bửu Minh…). Mỗi hệ phái một lối kiến trúc khác nhau và đó cũng là điều mà du khách muốn tìm hiểu khi đến với bất cứ ngôi chùa nào.

Thượng tọa Thích Giác Hiền – Trụ trì Tịnh xã Ngọc Cổ, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai nói: “Bên hệ phái Khất sĩ thì có mô hình tịnh xá và tịnh xá bát giác (8 cạnh) biểu tượng cho bát chánh đạo; rồi cổ lầu 4 cạnh tượng trưng cho từ-bi-hỷ- xả. Đồng thời trên nóc có 1 đuốc sen. Thứ 2 nữa đặc sắc của Khất sĩ là nhiều hoa văn, nhiều phù điêu, thể hiện cái cổ kính, nghệ thuật của Phật giáo”.

Du lịch tâm linh là một trong những loại hình du lịch theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; và với sự phong phú của hệ thống chùa chiền ở địa phương, Gia Lai hứa hẹn sẽ là điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh của du khách với những cảm nhận, trải nghiệm cũng như tìm sự bình an trong tâm hồn; hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ cuộc sống./.

Mỹ Tiến,   R’Piên


Lượt xem: 39

Trả lời